Kinh tế

Bán hàng trên sàn thương mại điện tử: Tiện ích, tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra cơ hội quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm đặc trưng và tăng doanh thu cho nhà sản xuất.

Cơ hội quảng bá trên nền tảng số

Cách đây khoảng 5 năm, chỉ một số ít nhà sản xuất nhỏ tiếp cận kênh bán hàng online qua các sàn TMĐT. Nhưng đến nay, hầu hết đã tận dụng sàn TMĐT để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, có những cơ sở thực hiện việc bán hàng qua kênh online chiếm đến 70% doanh thu. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt khi đẩy mạnh ứng dụng TMĐT vào hoạt động bán hàng.

Chị Đoàn Thị Thúy-Chủ cơ sở nuôi ong Phước Hỷ (huyện Chư Păh) chia sẻ: “Cơ sở có các sản phẩm mật ong, phấn hoa, ngũ cốc phấn hoa… Tất cả đều đạt các tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng. Lúc trước, tôi chỉ bán hàng qua kênh truyền thống là các đại lý hay bán lẻ tại nhà nên nguồn khách hàng còn hạn chế.

Kể từ lúc bắt đầu chú trọng phát triển kênh online, đặc biệt là việc mở gian hàng trên các sàn TMĐT lớn, cơ sở có sự bứt phá về doanh thu. Hiện kênh online chiếm khoảng 70-80% doanh thu của cơ sở. Đây thật sự là hướng đi hiệu quả vì kênh online không tốn chi phí cho khâu trung gian, lại có sức lan tỏa rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi.

Bên cạnh đó, thông qua sàn TMĐT, cơ sở biết được thông tin hàng hóa tương đồng hiện có trên thị trường, từ đó hoàn thiện mẫu mã, bao bì, chất lượng để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm và đáp ứng thị hiếu của khách hàng tốt hơn”.

Mật ong Phương Di được vinh danh là một hạt giống OCOP tại lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp và TikTok. Ảnh: NVCC

Mật ong Phương Di được vinh danh là một hạt giống OCOP tại lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp và TikTok. Ảnh: NVCC

Theo phương thức kinh doanh truyền thống, nếu muốn quảng bá sản phẩm rộng ra thị trường, người sản xuất phải tốn chi phí marketing hoặc tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm. Với phạm vi không gian không giới hạn, kênh online không mất chi phí quảng bá, người sản xuất còn đăng tải được nhiều hình ảnh, video và livestream quảng bá ngay trên chính nền tảng mình bán hàng.

Chưa kể, trên nền tảng số, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất còn có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu khách hàng, đưa ra dự đoán về các xu hướng tiêu dùng mới để có chiến lược marketing phù hợp; đồng thời, tư vấn, giải đáp cho khách hàng về sản phẩm dịch vụ của mình để họ có trải nghiệm tốt hơn, tăng sự hài lòng.

Theo đánh giá của Sở Công thương, khi triển khai bán hàng trên sàn TMĐT, doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu thêm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso… còn thấp.

Doanh số của người bán tại Gia Lai còn nhỏ so với các tỉnh, thành khác. Cơ cấu mặt hàng trên sàn TMĐT của các doanh nghiệp phần lớn là sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, thực phẩm, đồ uống, còn những mặt hàng nông sản chủ lực tại địa phương như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca, mật ong… chiếm tỷ trọng nhỏ.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cũng gặp khó khăn khi giao dịch, quản lý sản phẩm trên sàn TMĐT do thiếu nhân lực, kỹ năng kinh doanh.

Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT

Hiện nay, Gia Lai có 305 sản phẩm OCOP (41 sản phẩm 4 sao, 264 sản phẩm 3 sao) của 161 chủ thể (gồm 30 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 91 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh).

Bên cạnh các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop thì sàn TMĐT của địa phương cũng thu hút nhiều sản phẩm đặc sản, OCOP tham gia.

Hiện nay, sàn TMĐT ocopgialai.vn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) vận hành đang có 115 chủ thể với 224 sản phẩm OCOP tham gia thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, hàng lưu niệm, trang trí…

Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại-cho biết: Sàn TMĐT ocopgialai.vn ra đời vào cuối năm 2019. Mặc dù doanh số bán hàng chưa nhiều nhưng tính quảng bá sản phẩm rất cao. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh như tiêu hữu cơ, bò một nắng, sản phẩm từ dược liệu… thường xuyên có khách đặt mua.

“Để sàn TMĐT ocopgialai.vn tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, trong các hội chợ, phiên chợ, Trung tâm thường dành riêng 1 gian hàng để giới thiệu, hỗ trợ, hướng dẫn người bán và người mua biết về sàn TMĐT này.

Đồng thời, Trung tâm cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình hướng dẫn trực tiếp cách bán hàng qua sàn, cách quay video quảng bá sản phẩm, cách thức giao dịch trên sàn…”-bà Thu thông tin.

Hiện nay, ngoài bán hàng trên kênh truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng trên nền tảng số. Ảnh: V.T

Hiện nay, ngoài bán hàng trên kênh truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng trên nền tảng số. Ảnh: V.T

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: Sau hơn 4 tháng vận hành với tên gọi mới là sàn TMĐT Buudien.vn (trước kia là sàn Postmart), sàn TMĐT chuyên biệt nông-lâm-thủy sản đã có thêm 320 sản phẩm OCOP. Đến nay, sàn TMĐT này có hơn 8.170 sản phẩm OCOP (chiếm 68% sản lượng OCOP trên toàn quốc). Còn tính chung thì sàn Buudien.vn hiện có 12.416 sản phẩm.

Tính riêng trong tháng 7-2024, sàn đạt 5.500 giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 3,5 tỷ đồng. Riêng tại Gia Lai, quy mô các sản phẩm và chủ thể lên sàn cũng còn hạn chế. Hiện chỉ có 12 nhà cung cấp với tổng số 83 sản phẩm tham gia.

“Trước đây, yêu cầu tham gia sàn TMĐT đòi hỏi phải là sản phẩm OCOP. Còn hiện nay, sàn mở rộng các sản phẩm nông sản, đặc sản với quy định rõ ràng về chỉ tiêu chất lượng. Sắp tới, ngành sẽ thành lập tổ công tác đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ kinh doanh sản phẩm đủ điều kiện quy định để hướng dẫn, hỗ trợ tham gia sàn”-bà Vân cho biết thêm.

Qua báo cáo phân tích thị trường của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy: Hiện nay, sàn Shopee đạt doanh số bán hàng khoảng 700 tỷ đồng/ngày. Trong gần 7 tháng năm 2024, doanh số bán hàng của các shop ở Gia Lai trên sàn Shopee chỉ đạt 38,4 tỷ đồng với 863.223 sản phẩm đã bán, 419 shop có lượt bán.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số), TMĐT phát triển rất mạnh trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ vẫn chưa lớn. Năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ cả nước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Năm 2024, dự kiến tỷ lệ này đạt khoảng 10%.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký các hoạt động liên quan TMĐT tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy TMĐT phát triển nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi và có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

“Mặc dù Gia Lai có nhiều sản phẩm đa dạng với sản lượng lớn và nhiều thương hiệu nổi tiếng ở các ngành hàng cà phê, dược liệu, mật ong… nhưng doanh số bán lẻ trực tuyến chiếm tỷ lệ khá nhỏ; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký và bán hàng trên các sàn TMĐT chưa nhiều.

Trong khi đó, các sản phẩm của Gia Lai lại được tiêu thụ mạnh bởi những nhà bán hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Rõ ràng sản phẩm của Gia Lai có sức hấp dẫn nhưng do chính các nhà sản xuất chưa đẩy mạnh và có chiến lược tối ưu đối với kênh bán hàng là các sàn TMĐT lớn”-ông Thành cho biết.

Có thể bạn quan tâm