Kinh tế

Giá cả thị trường

Ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 7-1, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 21/QĐ-BCT về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ là cơ sở để các dự án điện gió trên địa bàn thoả thuận giá với EVN. Ảnh: Vũ Thảo
Việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ là cơ sở để các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai thoả thuận giá với EVN. Ảnh: Vũ Thảo

Theo đó, giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp như sau: Đối với loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất sẽ có mức trần của khung giá là 1.184,9 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh. 

Việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3-10-2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Căn cứ khung giá phát điện quy định tại quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận giá phát điện theo quy định.

Trước đó, chủ trương hưởng cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho điện gió hết hiệu lực từ ngày 31-10-2021, nên sau khi kết thúc thời hạn này, trong số 17 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ có 7 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được COD một phần với tổng công suất 117,2 MW và chưa được COD phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án điện gió chưa được COD với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với công suất 50 MW. Tổng công suất các dự án điện gió chưa được COD là 629 MW. 

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai-cho biết: Việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ là cơ sở để tính giá cho 629 MW điện gió trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp các nhà máy đi vào vận hành, ổn định hoạt động. Nếu các dự án sớm thỏa thuận giá với EVN để vận hành thương mại thì giải quyết được nhiều tồn tại, khó khăn.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm