Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Đak Lak, Kon Tum, Đak Nông; lãnh đạo các: sở, ngành, Liên minh hợp tác xã; UBND một số huyện, thành phố thuộc tỉnh và một số trường Đại học đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Hội nghị kết nối cung-cầu nhân lực qua đào tạo cho vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên. Ảnh: Hà Duy |
Báo cáo về cung-cầu lao động trong vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên, ông Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Theo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên trong Đề án có diện tích 19.700 ha (trong đó, Gia Lai 5.600 ha; Đak Lak 5.600 ha; Đak Nông 2.000 ha và Kon Tum 6.500 ha); có 13 doanh nghiệp cà phê, 64 hợp tác xã, 50 tổ hợp tác, 40 tổ khuyến nông cộng đồng và khoảng 5.230 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ Đề án.
Tuy nhiên, thực tế có một số khó khăn, hạn chế liên quan đến yếu tố con người khi triển khai Đề án. Cụ thể, các chủ trang trại, nông dân thiếu đào tạo về tiếp cận thị trường, kinh doanh nông nghiệp, thiếu đào tạo về sản xuất nông nghiệp mới (tuần hoàn, giảm phát thải…); đội ngũ quản lý các hợp tác xã chưa được đào tạo bài bản về công tác quản trị, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực thị trường, tiếp cận tín dụng, chuyển đổi số; thiếu nguồn nhân lực trẻ. Còn tại các doanh nghiệp liên kết, lực lượng lao động qua đào tạo lại thiếu thực tiễn. Lực lượng tư vấn phát triển trong vùng nguyên liệu chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng tư vấn…
Đại diện các hợp tác xã phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy |
Những hạn chế trên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để tạo sự thay đổi, nhất là đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh cà phê. Do đó, tại hội nghị, các đại biểu đưa ra một số đề xuất, như: đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ khuyến nông cộng đồng, các cơ quan nhà nước tại vùng nguyên liệu, cần phối hợp, tiếp nhận các sinh viên nông nghiệp về thực tập và tuyển dụng làm việc lâu dài, ổn định. Đối với các trường, cơ sở đào tạo sinh viên nông nghiệp, nên đưa nội dung đào tạo về hợp tác xã, liên kết, vùng nguyên liệu vào giảng dạy; phối hợp đưa sinh viên thực tập, tốt nghiệp về làm việc tại các tổ chức trong vùng nguyên liệu. Đối với địa phương thuộc vùng nguyên liệu, cần có cơ chế, chính sách thu hút lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp; tăng cường cán bộ trẻ về hỗ trợ các hợp tác xã trong công tác quản lý, kỹ thuật, kế toán.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Vùng nguyên liệu Tây Nguyên với thế mạnh là cây cà phê có diện tích rộng lớn. Bộ Nông nghiệp và PTNT muốn tập trung nâng cao giá trị và thương hiệu cây cà phê, trong đó, vùng nguyên liệu quyết định tất cả, tiếp sau là vấn đề liên kết. Theo đó, để xây dựng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cần có một đội ngũ cán bộ hỗ trợ tốt, xây dựng nông dân chuyên nghiệp, nắm được kỹ thuật, công nghệ, thị trường. Các hợp tác xã, doanh nghiệp phối hợp với các trường xây dựng chuỗi cung-cầu về nguồn lao động qua đào tạo. Các hợp tác xã, doanh nghiệp và địa phương nắm lại các nhu cầu cụ thể về nhân lực của mình để các trường có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, chúng tôi cũng có cơ sở để bàn đến cơ chế hỗ trợ”.