(GLO)- Ít ai nghĩ, một ông bầu Đức trùm bất động sản và Chủ tịch CLB Bóng đá HA-GL, người sáng lập Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG lại có lúc phải… bán trái cây nuôi Tập đoàn. Vậy mà đây là chuyện có thật.
Trong khi nhiều phân khúc đầu tư khác của HA-GL không mang về lợi nhuận tích cực, thì trái cây-mảng đầu tư mới của Công ty nhằm tạo ra dòng tiền nhanh để lấy ngắn nuôi dài, bước đầu đã cho những tín hiệu tích cực. Theo đó, mảng trái cây mang về hơn 808 tỷ đồng và vươn lên dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu phân theo sản phẩm giai đoạn nửa đầu năm nay. Sau khi trừ giá vốn bán hàng hơn 383 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận gộp bình quân mỗi ngày Công ty thu về từ trái cây khoảng 2,3 tỷ đồng.
Nếu mỗi ngày bán trái cây mà lãi ròng tới 2,3 tỷ đồng, thì một năm có thể lãi ròng ngót ngàn tỷ đồng như không! Trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay, phải khẳng định đó là một khoản lãi lớn. Nhưng không chỉ có thế.
Ảnh minh họa |
Những loại trái cây mà Công ty bầu Đức trồng và đạt doanh thu tốt đều là những loại trái cây phổ biến ở thị trường Việt Nam như chanh dây, chuối, thanh long… Cả 17 loại trái cây ăn trái được bầu Đức trồng đã mang lại “quả ngọt” cho Tập đoàn. Trong khi bà con nông dân trong nước phải lo ngày lo đêm về những loại trái cây mình trồng không bán được giá, như dưa hấu, chuối, đu đủ… thì ông bầu Đức này có tài gì mà bán trái cây được giá như vậy?
Bí quyết có lẽ ở chỗ, Công ty của bầu Đức đã khảo sát thị trường rất kỹ, không chỉ thị trường trong nước mà chủ yếu là thị trường nước ngoài như Trung Quốc và sản xuất trái cây đúng tiêu chuẩn, mẫu mã, chất lượng mà thị trường yêu cầu. Trái cây luôn là mặt hàng nhạy cảm và ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng khi đã thỏa mãn yêu cầu thị trường thì phải nói đây là mặt hàng thu lợi nhuận nhanh. Và một khi có thương hiệu, đây sẽ là mặt hàng tiêu thụ khá bền vững.
Điều đó dường như là nghịch lý đối với việc sản xuất và tiêu thụ trái cây ở Việt Nam. Nhưng khi sự thành công đó là sự thật chứ không phải “chiêu PR”, thì có lẽ Bộ Nông nghiệp và PTNT nên kịp thời nghiên cứu xem nguyên nhân thành công này đến từ đâu? Tại sao cũng những loại trái cây bình thường đó, mà nông dân Việt Nam sản xuất thì bán không được giá, thậm chí phải tổ chức “giải cứu”, còn Công ty bầu Đức thì tiêu thụ rất tốt, kể cả với thị trường “sớm nắng chiều mưa” như Trung Quốc?
Sản xuất nông nghiệp hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Nếu để nông dân tự mình sản xuất theo “phong trào”, bất chấp các yêu cầu và đòi hỏi của thị trường, cộng với sự vừa “quan” vừa “liêu” của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì thất bại gần như cầm chắc trong tay. Sản phẩm nông nghiệp tự sản tự tiêu là một chuyện, còn sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường, thành hàng hóa lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trong khi người trung lưu, người giàu ở các thành phố lớn bỏ ra tiền triệu, tiền chục triệu để mua trái cây ngoại, thì ngoại trừ chuyện “chảnh”, “làm sang”... còn một thực tế khác là họ mất lòng tin ở độ an toàn sạch sẽ của trái cây Việt. Làm sao để những người có tiền ở Việt Nam hoan hỉ quay về mua trái cây Việt là cả một câu chuyện dài. Câu chuyện ấy, có lẽ Tập đoàn của bầu Đức đang âm thầm thực hiện. Và đã có những kết quả tích cực ban đầu.
Đơn cử một mặt hàng trái cây là chanh dây, loại trái cây này đang rất hút hàng ngay ở thị trường trong nước, nhất là vào mùa hè nóng bức như thế này. Dùng để làm nước giải khát thì chanh dây ngon hơn hẳn chanh ta ở độ thơm và giàu vitamin. Một cốc nước chanh dây bán ở quán giải khát không hề rẻ, bán ở nhà hàng, khách sạn hay resort lắm “sao” thì rất đắt. 100 ngàn đồng/cốc nước chanh dây là cái giá mà tôi vừa phải trả ở một hòn đảo du lịch Nha Trang. Như thế, chanh dây đâu phải loại trái cây “dạng vừa”. Bầu Đức bán được chanh dây với số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc là vì chanh dây của Tập đoàn ông rất chuẩn, đạt mọi yêu cầu của thị trường lớn nhưng không quá khó tính này.
Vì đây là câu chuyện dài nên cũng phải chờ xem ở những mùa sau trái cây của bầu Đức có tiếp tục bán chạy nữa không? Nếu vẫn bán tốt, thì đây là chuyện cả Việt Nam phải tìm hiểu và áp dụng.
Thanh Thảo