Chính trị

Tin tức

Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Gia Lai về công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 2-7, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do bà Đỗ Phương Thảo-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai về công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh; tiến độ triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Châu
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Châu

Các đồng chí: Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Tống Thới Mốc-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thông tin những kết quả nổi bật và những điểm mới trong công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Nhiều hội nghị trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức được tiếp, phát đến các điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở, qua đó kịp thời truyền tải những nội dung chỉ đạo của Trung ương đến tỉnh. Chế độ cung cấp thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng được duy trì nền nếp, hiệu quả. Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên đạt chuẩn ngày càng tăng.

Tính đến tháng 6-2022, tỉnh Gia Lai có 5 báo cáo viên Trung ương; 43 báo cáo viên cấp tỉnh, 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, cao cấp lý luận chính trị; có 443 báo cáo viên cấp huyện và tương đương; 3.611 tuyên truyền viên ở các tổ chức cơ sở Đảng.

Nét mới trong công tác tuyên truyền của ngành Tuyên giáo Gia Lai đó là nhanh chóng đổi mới nội dung, chuyển đổi hình thức phù hợp với điều kiện phòng-chống dịch Covid-19 với phương châm “đi trước, đón đầu”, chú trọng các hoạt động trực tuyến trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số kết hợp với hiệu ứng của truyền thông, tận dụng tối đa những lợi thế của mạng xã hội. Từ năm 2020 đến tháng 6-2022, toàn ngành Tuyên giáo tỉnh đã tổ chức 11 cuộc thi, trong đó có 8 cuộc thi trực tuyến và 3 cuộc thi trực tiếp như: “Tìm hiểu 75 năm Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai”, “Tìm hiểu về 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5/6/1911-5/6/2021); “Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam và 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển” (23/10/1961-23/10/2021); Cuộc thi tìm hiểu “Gia Lai-90 năm hình thành và phát triển”… Các cuộc thi đã thu hút hơn 2,2 triệu lượt người của 50 tỉnh, thành trong cả nước tham gia, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; đồng thời tuyên truyền những thành tựu của quê hương, đất nước; quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, con người, tiềm năng phát triển và lợi thế của Gia Lai đến với bạn bè gần xa.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở tinh gọn, có đủ năng lực để thực hiện công tác tuyên truyền miệng.

Về tiến độ triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, trong tháng 5-2022, cấp xã và tương đương đã hoàn thành xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm; cấp huyện và tương đương đã hoàn thành trong tháng 6 và cấp tỉnh sẽ tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Thông tri số13-TT/TU của tỉnh với quy mô, hình thức phù hợp; dự kiến trong tháng 7.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đề xuất cần có cơ chế, chính sách đối với lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng, hòa giải viên và những khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp thông tin; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm về cách thức, phương pháp tuyên truyền hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Đỗ Phương Thảo đánh giá cao những kết quả nổi bật của tỉnh Gia Lai trong triển khai công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên thông qua triển khai nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, phù hợp với thực tiễn. Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) đề nghị tỉnh cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và đổi mới phương thức tuyên truyền, cung cấp thông tin nhằm góp phần ổn định tư tưởng, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.   

Trước đó, đoàn công tác đã có buổi khảo sát tại xã Ia O, làm việc tại Huyện ủy Ia Grai về công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên.

 

MINH CHÂU
 

 

Có thể bạn quan tâm