Ngày 29/7, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 do Nhà nước phong tặng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5, đồng thời Thủ tướng cũng trao quà tặng Ban Liên lạc Khu ủy Khu 5.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bày tỏ xúc động, tự hào khi Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này. Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), chúng ta kính cẩn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mãi mãi ghi nhớ và tri ân các chiến sỹ trên mặt trận tuyên huấn của Đảng đã anh dũng hy sinh, hay đã để lại một phần thân thể của mình tại chiến trường Khu 5 ác liệt và anh dũng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi lễ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tháng 5/1960, Thường vụ Khu ủy Khu 5 ra quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Kể từ khi được thành lập vào tháng 5/1960, với số lượng ban đầu là ba cán bộ, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã phát triển lực lượng lên đến hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Ngay sau khi thành lập, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 được giao nhiệm vụ vừa theo dõi nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng, dư luận xã hội trên chiến trường Khu 5 trải dài từ Quảng Nam-Đà Nẵng đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, tham mưu đề xuất với Khu ủy về công tác chính trị, tư tưởng; thực hiện nhiệm vụ giáo dục và rèn luyện về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nâng cao cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân ở miền Trung-Tây Nguyên đứng lên đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng; tích cực tham gia công tác binh vận, làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại, góp phần thông tin về cuộc đấu tranh của nhân dân ta nói chung và nhân dân miền Trung-Tây Nguyên; tố cáo tội ác của Mỹ ngụy, tạo được sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Trong thời kỳ kháng chiến đầy cam go, ác liệt, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã chú trọng xây dựng, chỉ đạo, quản lý các cơ quan, lực lượng, binh chủng, tổ chức phát triển lực lượng với một đội ngũ cán bộ hùng hậu hoạt động trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, giáo dục tại chiến trường Khu 5.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các đơn vị, binh chủng, lực lượng của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 được tổ chức bài bản với chức năng nhiệm vụ rõ ràng như Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Văn nghệ-Hội họa, Tiểu ban Giáo dục, Thông tấn xã Khu 5, Nhà in Giải phóng, Đài Minh ngữ, Báo Cờ giải phóng, Nội san Tiền phong, Tạp chí Văn nghệ, Lực lượng Hậu cần...
Đặc biệt, ngay sau khi mới thành lập, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 được Ban Thường vụ Khu ủy giao nhiệm vụ chuyển tải tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở các địa phương thuộc chiến trường Khu 5. Đó là chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nhanh chóng hình thành các lực lượng vũ trang ở địa phương; xây dựng, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vào đường lối cách mạng của Đảng; tuyên truyền xây dựng ý chí quyết tâm đứng lên chống đế quốc Mỹ xâm lược; đấu tranh, phản bác làm thất bại các luận điệu tuyên truyền phản động của địch.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt; các máy móc, dụng cụ còn rất thô sơ song với niềm tin tất thắng, với tinh thần, nghị lực và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng ở chiến trường Khu 5 luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình chiến sự, tham mưu cho Khu ủy Khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chính trị, tư tưởng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức văn hóa, lý luận cho cán bộ, chiến sỹ, thanh niên góp phần xây dựng các tổ chức Đảng, đoàn thể, hệ thống chính trị ở địa phương. Đội ngũ cán bộ tuyên huấn của Đảng ở chiến trường Khu 5 đã dũng cảm vào sâu vùng địch để giác ngộ lý tưởng, tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, tạo thành những phong trào cách mạng rộng lớn khắp các địa phương. Luôn bám sát chiến trường để kịp thời đưa tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình chiến sự; kịp thời cung cấp, chuyển tải tin, bài, tư liệu cho Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh Hà Nội, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước để tạo dư luận quốc tế, kêu gọi nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Từ những năm 1960-1975, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ, phóng viên thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học, báo chí, âm nhạc, thơ ca, hội họa, điện ảnh khắc họa cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Trong đó, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của Thông tấn xã Khu 5.
Người phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đầu tiên có mặt tại chiến trường Khu 5 tháng 4/1959 là đồng chí Võ Thế Ái (người làng Hà Thân, thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngày nay). Đến năm 1965, Thông tấn xã Khu 5 có 60 phóng viên đủ các bộ phận chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật và phóng viên thường trú các tỉnh miền Trung.
Hàng ngày, Thông tấn xã Khu 5 bám sát các sự kiện lớn chuyển ra Thông tấn xã Việt Nam trên 20 tin, bài về chiến sự và những thắng lợi của quân giải phóng trên chiến trường Khu 5, ca ngợi những chiến thắng, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, đồng thời tố cáo các tội ác dã man của kẻ thù với nhân dân trong nước và thế giới. Đến ngày giải phóng miền Nam, Thông tấn xã Khu 5 có 180 phóng viên, kỹ thuật viên, hy sinh tám đồng chí, bị bắt một đồng chí.
Có thể khẳng định nhiều tác phẩm đã trở thành nguồn tư liệu sống động, chân thực, có sự lan tỏa, ảnh hưởng rộng lớn, tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với người dân Việt Nam; giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân, tạo thành niềm tin, ý chí, động lực và hành động cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sỹ vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện sứ mệnh cách mạng lịch sử của mình, cán bộ, chiến sỹ của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 không chỉ là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng mà còn tham gia chiến đấu dũng cảm trên chiến trường ác liệt bảo vệ an toàn căn cứ. Trong 1.058 cán bộ của Ban Tuyên huấn Khu 5, đã có 128 đồng chí anh dũng hy sinh; hàng trăm đồng chí bị thương nặng hoặc nhiễm chất độc da cam...
Với những thành tích và sự hy sinh lớn lao đó, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5; nhiều tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị, lực lượng của Ban đã được Khu ủy Khu 5 và Ủy ban Mặt trận Giải phóng Trung Trung bộ ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất...
Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trao tặng cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 chính là sự ghi nhận, trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sỹ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Đồng thời, là nguồn động viên, khích lệ những người làm công tác tuyên huấn Khu ủy cũng như đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng hiện nay tự hào về thành tích và truyền thống vẻ vang của ngành; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng chính trị-văn hóa của Đảng.
Trần Tĩnh (TTXVN/Vietnam+)