Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Bằng Kiều gây sốt khi hát vọng cổ ở 'Anh trai vượt ngàn chông gai'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tại công diễn 4 'Anh trai vượt ngàn chông gai', Bằng Kiều gây bất ngờ khi cùng đồng đội kết hợp với NSND Hữu Quốc hát 'Dạ cổ hoài lang'. Màn hát vọng cổ của nam ca sĩ nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.

Bằng Kiều được khen khi hát vọng cổ

Màn trình diễn Dạ cổ hoài lang của Nhà Mứt gừng nhận nhiều lời khen

Màn trình diễn Dạ cổ hoài lang của Nhà Mứt gừng nhận nhiều lời khen

Tập 10 Anh trai vượt ngàn chông gai phát sóng tối 7.9 khiến khán giả nức lòng khi mang đến loạt tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Một trong những tiết mục gây bàn tán nhiều nhất là Dạ cổ hoài lang của Nhà Mứt gừng (Bằng Kiều, Trương Thế Vinh, Phạm Khánh Hưng, Đỗ Hoàng Hiệp, Phan Đinh Tùng và Nguyễn Trần Duy Nhất). Với sự góp giọng của NSND Hữu Quốc, các "anh tài" mang đến màn trình diễn xúc động.

Trước đó, cả nhóm gặp áp lực khi phải thể hiện một tác phẩm lớn, tôn vinh di sản tự hào hơn 100 năm của người dân Nam bộ song các "anh tài" nỗ lực tập luyện với mong muốn thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm nhất có thể. Những nỗ lực của họ được thể hiện rõ qua tiết mục được dàn dựng công phu, diễn xuất xúc động bên cạnh phần hát khá hài hòa. Trong đó, màn thể hiện của Bằng Kiều khiến nhiều khán giả bất ngờ. Giọng ca gốc Hà Nội có phần hát vọng cổ tương đối mượt, tròn trịa, thể hiện tốt những đoạn luyến láy mang chất Nam bộ.

Phần kết hợp giữa NSND Hữu Quốc với ca sĩ Bằng Kiều khiến nhiều khán giả xúc động

Phần kết hợp giữa NSND Hữu Quốc với ca sĩ Bằng Kiều khiến nhiều khán giả xúc động

Bằng Kiều cũng chia sẻ trên sân khấu rằng mình rất hạnh phúc khi được thể hiện ca khúc này, đúng với mong ước được hát nhạc Nam bộ. Với mong muốn giữ lại bản nhạc thuần túy nhất có thể và không muốn làm mới quá nhiều, anh cho biết đây là nhằm mục đích để giới trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp bản gốc. Chính điều này đã khiến cho nam ca sĩ tiếp tục phải thốt lên rằng: "Thực sự khi hát tôi rất xúc động và rất hạnh phúc vì điều đó".

Trên sân khấu, NSND Hữu Quốc chia sẻ cảm xúc: "Bài Dạ cổ hoài lang là tiền thân của bài vọng cổ. Nó thuộc về lĩnh vực sân khấu của người dân Nam bộ hơn 100 năm nay. Nó chính là giá trị tinh thần, cốt lõi của người dân Nam bộ mà tôi là một trong thế hệ tiếp nối các tiền bối đi trước. Tôi rất hạnh phúc trong một chương trình đã và đang được khán giả yêu mến lại xuất hiện bài Dạ cổ hoài lang. Nó không chỉ là niềm hạnh phúc riêng cho Hữu Quốc, mà còn là niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người đang theo đuổi đàn ca tài tử Nam bộ, cũng là sân khấu cải lương của tất cả những người đang yêu thương và giữ gìn nó".

Bằng Kiều nhận nhiều lời khen ngợi từ khán giả khi hát vọng cổ

Bằng Kiều nhận nhiều lời khen ngợi từ khán giả khi hát vọng cổ

Sự cố gắng của Bằng Kiều cùng đồng đội khiến các "anh tài" bất ngờ, thán phục đồng thời nhận nhiều lời tán dương từ người xem. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả dành lời khen ngợi cho nam ca sĩ 51 tuổi và các đồng đội: "Lần đầu tiên nghe Bằng Kiều hát mà phải nghe thật kỹ mới nhận ra. Bất ngờ là anh hát vọng cổ hay quá!", "Mứt gừng đúng là gừng càng già càng cay", "Câu cuối Nhà Mứt gừng hòa giọng với NSND Hữu Quốc tôi xem mà bật khóc, hào hùng, bi tráng quá!", "Tiết mục xúc động quá, tôi đã khóc rất nhiều, khóc từ đoạn Bằng Kiều bắt đầu cất tiếng hát", "Quá đỉnh, Bằng Kiều hát mà không nhận ra anh ấy luôn trời ơi, lột xác!", "Bằng Kiều người Bắc mà hát Dạ cổ hoài lang cỡ đó, đỉnh quá", "Trương Thế Vinh xuất sắc, Bằng Kiều bẻ giọng Nam hát vọng cổ quá bất ngờ!", "Khi Bằng Kiều cất giọng ở đoạn sau, tôi đã khóc. Là người con Nam bộ, tôi cảm thấy bài này chạm được tới trái tim mình"…

Bên cạnh đó, nhiều khán giả cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi tiết mục của Nhà Mứt gừng có điểm thấp nhất, cho rằng kết quả không thực sự tương xứng với nỗ lực của cả nhóm.

Binz hát chèo, đội S.T tôn vinh nhã nhạc cung đình Huế...

Ba tiết mục nhóm còn lại cũng khiến khán giả bàn tán sôi nổi.

Tiết mục Mưa trên phố Huế của Nhà Chín muồi

Tiết mục Mưa trên phố Huế của Nhà Chín muồi

Nhà Chín muồi nỗ lực làm đặc sắc nhã nhạc cung đình Huế qua tiết mục Mưa trên phố Huế với sự hỗ trợ của NSƯT Anh Tấn, nghệ sĩ Hồ Nga và nhóm Mặt trời đỏ. S.T Sơn Thạch, Thiên Minh, Tăng Phúc, Bùi Công Nam, Neko Lê, Kay Trần, Liên Bỉnh Phát và BB Trần mang đến không gian đậm chất cố đô khi kết hợp nghệ thuật múa chén, nhã nhạc cung đình Huế, hình ảnh nón lá, tà áo dài thướt tha… bên cạnh những "ngôn ngữ" âm nhạc hiện đại từ giai điệu, đến các đoạn rap.

Ghi nhận sự nỗ lực Nhà Chín muồi và nhìn thấy được tình yêu, mong muốn của họ trong việc phát triển giá trị âm nhạc truyền thống của nước nhà, nghệ sĩ Hồ Nga tâm sự: "Tôi rất xúc động khi thấy các bạn trẻ là thế hệ mới mà hướng về nghệ thuật dân gian. Đó là điều vô cùng hạnh phúc. Tôi không thể nói điều gì hơn là các bạn đã cố gắng hết sức mình và làm rất tốt. Tôi rất xúc động vì điều đó".

Nhà Trẻ thử sức với bộ môn hát chèo và có sự hỗ trợ từ NSND Thu Huyền

Nhà Trẻ thử sức với bộ môn hát chèo và có sự hỗ trợ từ NSND Thu Huyền

Nhà Trẻ của Đinh Tiến Đạt, Tiến Luật, Binz, Duy Khánh, Quốc Thiên và Rhymastic cũng gây bất ngờ khi hát chèo cùng NSND Thu Huyền trong tiết mục Đào liễu. Màn trình diễn của nhóm tái hiện không khí sôi nổi, náo nức rực rỡ sắc đỏ của hội làng - một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Binz nhận được nhiều lời khen khi anh lần đầu hát chèo nhưng thể hiện tốt giai điệu, ý tứ của một bản nhạc truyền thống, khiến NSND Thu Huyền cùng các thành viên trong đội ngỡ ngàng và dành nhiều lời khen. Bên cạnh chất truyền thống, tiết mục còn tạo điểm nhấn khi kết hợp thêm giai điệu, vũ đạo hiện đại, đặc biệt là phần nhảy sôi động của Đinh Tiến Đạt.

Sau màn kết hợp ăn ý, NSND Thu Huyền dành nhiều lời có cánh cho Nhà Trẻ: "Tôi bất ngờ khi các bạn hát hay quá. Hát chèo mà có thể hát trên nền nhạc sôi động như thế. Rất xúc động".

Nhà Cá lớn trình diễn Chiếc khăn piêu

Nhà Cá lớn trình diễn Chiếc khăn piêu

Trong khi đó Nhà Cá lớn của NSND Tự Long, Tuấn Hưng, Cường Seven, Soobin Hoàng Sơn, Đăng Khôi, Jun Phạm, Trọng Hiếu và Thanh Duy lại khắc họa tình quân dân với ca khúc Chiếc khăn piêu. Cả nhóm hóa các chiến sĩ biên phòng, phô diễn giọng hát qua bài hát mang đậm chất dân ca vùng núi phía Bắc và khéo léo kết hợp khèn, đàn môi, tiếng sáo mèo cùng hình ảnh chiếc khăn piêu, cô gái Thái... Màn trình diễn này trở nên thăng hoa, trọn vẹn hơn khi có sự kết hợp với nghệ sĩ sáo mèo Đinh Nhật Minh.

NSND Tự Long chia sẻ đây là tiết mục khó khăn cho cả nhóm khi phải làm thỏa mãn khán giả ở hai yêu cầu: dung hòa được giá trị truyền thống và sự hiện đại.

Kết quả của công diễn 4 gây nhiều bất ngờ

Kết quả của công diễn 4 gây nhiều bất ngờ

Ngoài các tiết mục nhóm, phần còn lại của công diễn 4 Anh trai vượt ngàn chông gai còn mang đến 4 tiết mục song ca. Quốc Thiên và Rhymastic từ Nhà Trẻ phô diễn giọng hát với phiên bản mới của Đêm cô đơn. Nhà Mứt gừng chiêu đãi khán giả ca khúc Gọi anh qua màn hòa giọng của Phạm Khánh Hưng - Đỗ Hoàng Hiệp. Nhà Chín muồi khiến nhiều xem rơi nước mắt với màn trình diễn của Bùi Công Nam - Kay Trần qua ca khúc Chuyện nhà bé thôi, con đừng về. Cường Seven và (S)TRONG Trọng Hiếu của Nhà Cá lớn khuấy động không khí với 12h03 với giai điệu sôi động và vũ đạo lôi cuốn.

Ở tập 10 này, Nhà Chín muồi của S.T Sơn Thạch giành chiến thắng ở cả tiết mục nhóm lẫn tiết mục song ca. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc (tính thêm điểm tiết mục solo), Nhà Trẻ của Đinh Tiến Đạt giành điểm số cao nhất và là đội duy nhất an toàn. Khép lại công diễn 4, Phạm Khánh Hưng, Nguyễn Trần Duy Nhất, Đăng Khôi, Neko Lê phải rời chương trình.

Theo Thanh Chi (TNO)

Có thể bạn quan tâm