Kinh tế

Bánh tráng An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khoảng 4 giờ sáng, khi cả phố thị An Khê dường như vẫn chìm trong giấc ngủ thì trong một con hẻm nhỏ, các bếp lửa đã đỏ rực, chiếc nồi to đựng đầy nước sôi ùng ục, khói bốc lên nghi ngút qua tấm vải căng trên bề mặt, bột và gạo đã được xay nhuyễn tự khi nào, sẵn sàng cho một ngày làm việc miệt mài. Với những gia đình làm bánh tráng ở đây, công việc ấy đã trở nên quen thuộc từ hơn mấy chục năm qua…
 

Những người làm bánh tráng ở đây đều có nguồn gốc từ làng nghề nổi tiếng An Thái (Bình Định). Ảnh: Phương Linh

An Thái là một làng nghề làm bún, bánh tráng lâu đời và nổi tiếng bậc nhất của đất An Nhơn (Bình Định). Cách đây khoảng 50 năm, có một nhóm gia đình mang theo nghề truyền thống của mình lên vùng đất Tây Sơn Thượng để lập nghiệp. Người dân địa phương vẫn thường gọi nơi họ sống là Xóm Mới (nay là tổ 13, 14, phường An Phú, thị xã An Khê). Hàng chục năm trôi qua, nhiều gia đình vẫn bám nghề…

Nghề của làng

 

Chỉ còn những lớp người cũ lay lắt bám nghề. Ảnh: Phương Linh

Chưa có ai công nhận đây là một làng nghề, nhưng với nhiều người dân An Khê thì con hẻm nhỏ ấy làm bánh ngon nổi tiếng, là nơi cung cấp bánh tráng cho cả thị xã và thỉnh thoảng cho các vùng lân cận. Những người làm bánh tráng lâu năm ở đây vẫn thường hay hoài niệm về một thời khi nghề này là chủ lực nuôi sống cả gia đình. “Ngày ấy cả vùng An Khê chỉ có xóm chúng tôi làm bánh tráng. Không gọi là khá giả nhưng thu nhập cũng đủ để nuôi mấy miệng ăn trong nhà và cho chúng tôi ăn học tới nơi tới chốn”-ông Nguyễn Hoàng (SN 1965) hồi nhớ lại nghề truyền thống của gia đình mình. Trước năm 1975, loại bánh được làm chủ yếu là bánh tráng gạo. Sau giải phóng, lương thực khó khăn, lúa gạo khan hiếm, các gia đình chuyển sang làm bánh tráng mì (làm bằng bột mì tươi). “Thế mà nghề bánh tráng giúp cả làng chúng tôi vượt qua cơn khó khăn lúc đó một cách dễ dàng. Khi ấy, làm bánh tráng dễ và sướng hơn làm nông nghiệp nhiều”-ông Hoàng nói.

Sản phẩm của bánh tráng gạo nơi đây cũng khá đầy đủ với bánh tráng cuốn, bánh làm chả ram, bánh tráng mè,… Điểm đặc biệt là hầu hết các lò bánh ở trong con hẻm này vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống. Chỉ có khâu xay bột là nhờ tới máy móc cho đỡ tốn công lại đều và nhanh hơn so với xay bằng cối đá ngày xưa. Bột làm bánh vẫn giữ nguyên 2 phần gạo và 1 phần bột mì nhất để bánh được dai, dẻo và ngon hơn, có thể thêm mè hoặc nước dừa, tuyệt nhiên không sử dụng bất cứ một chất phụ gia nào.

Bên bếp hừng lửa, hơi nước trắng xóa, những người thợ má đỏ rực, trán lấm chấm mồ hôi, nhanh tay mở nắp vung, dùng một chiếc que tre mỏng khơi nhẹ chiếc bánh tráng mỏng dính, mềm oặt ra khỏi khuôn, đặt khéo léo lên vỉ tre, rồi lại nhanh tay múc một gáo bột được định lượng thành thạo sau bao năm làm nghề, đổ lên khuôn, khéo léo dàn đều thành hình tròn xoe, trăm chiếc như một. Đã 30 năm kể từ ngày bà Lê Thị Sương (49 tuổi) làm dâu cũng là chừng ấy năm bà gắn bó với nghề làm bánh tráng do mẹ chồng truyền lại. Bà chia sẻ: “Cách làm thủ công này đòi hỏi thợ phải tỉ mỉ, khéo tay thì chiếc bánh tráng mới tròn, đều bột, không bị chỗ dày chỗ mỏng nên không phải ai cũng tráng được bánh”. Ngoài ra, cách làm thủ công có thể làm được bánh tráng nướng dày, bánh thường dai và thơm hơn nên được nhiều người ưa chuộng. “Người dân ở thị xã An Khê thích ăn bánh làm thủ công hơn. Vì vậy, 5 lò thủ công ở đây mỗi ngày làm hơn một thiên bánh/lò nhưng lúc nào cũng tiêu thụ hết trong ngày”-bà Sương cho biết.

“Rồi sẽ mai một dần…”

 

Diện tích phơi bánh ngày càng thu hẹp. Ảnh: Phương Linh

…Đó là câu nói buột miệng sau tiếng thở dài của ông Hoàng. Cho đến bây giờ cũng chỉ còn thế hệ cũ là còn gắn bó với nghề, lớp trẻ bây giờ đã có quá nhiều lựa chọn cho tương lai của mình. Nhà bà Trần Thị Tám (90 tuổi) cũng chỉ có người con dâu là cô Sương là theo nghề và còn làm tới bây giờ. Bà Tám khẽ nói: “Cũng tại nghề này vất vả quá, phải làm ròng từ lúc sáng sớm cho tới chiều. Ngồi bên bếp tráng bánh lâu vừa nóng vừa mỏi, lại dễ đau lưng mà tiền lời cũng chẳng đáng là bao nên lớp trẻ giờ không muốn theo nữa. Ngày trước nó là nghề chính của cả xóm, còn bây giờ chỉ có ai rảnh rỗi mới làm”.

Đã bắt đầu lớn tuổi, không thể ngồi lâu bên lò lửa được nên mặc dù đã gắn bó với cách làm thủ công 12 năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Thắng (48 tuổi) đành phải vay mượn khắp nơi hơn 70 triệu đồng để đầu tư cho dàn máy làm bánh tráng. Với cách làm này, mỗi ngày gia đình chú có thể làm đến 3 thiên bánh. Có lẽ khâu khó nhất là cắt và xếp bánh sao cho thật đều và gọn. Mặc dù làm bằng máy chỉ sản xuất được bánh mỏng để cuốn và làm chả ram nhưng lại nhanh hơn, đỡ vất vả mà thu nhập cũng khá hơn. Ông Thắng chia sẻ: “Nghề làm bánh tráng này lấy công làm lời, làm nhiều lời nhiều, làm ít lời ít. Người làm cha mẹ như tôi cũng không muốn con cái lấy nghề này làm nghề chính vì vất vả lắm”. Phần khác, làm bánh tráng đòi hỏi phải có diện tích rộng để phơi bánh. Trong xóm nhỏ nằm giữa phố ấy, đến nay cũng đã phải tận dụng đến từng khoảng hẹp ngoài đường để dựng vỉ. Vì vậy, mặc dù sản phẩm của bánh tráng tay đến nay vẫn có thị trường tốt nhưng rồi ai sẽ là người tiếp nối khi lửa nghề đang ngày một lụi dần…

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm