Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn

Tham gia các chuỗi liên kết, người nông dân được tiếp cận kiến thức sản xuất mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, bà con nông dân được tiếp cận các thông tin về thị trường, được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.

chot.jpg
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Ông Uê (làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tôi là Nhóm trưởng nhóm sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C ở xã Glar. Nhóm có hơn 100 hộ canh tác hơn 200 ha cà phê.

Qua gần 10 năm liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê 4C, tôi thấy hiệu quả mang lại cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống. Từ khi liên kết sản xuất, năng suất cà phê đạt 4-5 tấn nhân/ha. Các hộ trong nhóm còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường”.

Nói về hiệu quả sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn chất lượng, ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) cho hay: Hợp tác xã đang liên kết với tổ hợp tác sản xuất 300 ha cà phê, chủ yếu là theo quy trình 4C. Tham gia liên kết, các hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thực hành theo bộ quy tắc 4C và được đảm bảo đầu ra sản phẩm với giá cao hơn thị trường 200-300 ngàn đồng/tấn.

Nhờ đó, các thành viên đã thay đổi tập quán canh tác; năng suất, chất lượng vườn cây nâng lên rõ rệt. Hiện năng suất cà phê bình quân của các hộ thành viên đạt khoảng 4 tấn nhân/ha.

hop-tac-xa-nong-nghiep-va-dich-vu-lam-anh-huyen-dak-doa-dang-lien-ket-voi-to-hop-tac-san-xuat-ca-phe-4c-anh-vt.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đak Đoa) đang liên kết với tổ hợp tác sản xuất cà phê 4C. Ảnh: V.T

Toàn tỉnh hiện có khoảng 240.791 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng tham gia liên kết gồm 95 HTX, 72 tổ hợp tác, 23.806 hộ nông dân và 69 doanh nghiệp.

Điển hình như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp liên kết trồng hơn 20.000 ha cà phê theo quy trình 4C, UTZ, Organic; Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên liên kết sản xuất khoảng 2.090 ha cây trồng các loại; Tập đoàn Lộc Trời triển khai liên kết trồng 1.013 ha bắp sinh khối và 229,6 ha lúa nước; Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 231,45 ha...

che-bien-ca-phe-sach-tai-trang-trai-ca-phe-vinh-hiep-xa-ia-tiem-huyen-chu-se-anh-hd.jpg
Chế biến cà phê sạch tại trang trại cà phê Vĩnh Hiệp (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: H.D

Tạo nguồn hàng lớn phục vụ xuất khẩu

Hiện nay, vai trò của HTX thể hiện ở nhiều khâu trong chuỗi giá trị xuất khẩu như: phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, HTX còn là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài cà phê thì chuỗi liên kết sản xuất những mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu cao như chanh dây, sầu riêng đang được các HTX triển khai thực hiện.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Từ năm 2018, HTX đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn sản xuất chanh dây. Hiện vùng nguyên liệu của HTX đã phát triển lên khoảng 300 ha, trong đó, 100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Hàng năm, HTX thường tổ chức các chương trình tập huấn để các hộ liên kết nắm bắt các quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, nhận biết các vấn đề về sâu bệnh hại, thực hiện số hóa việc truy xuất nguồn gốc… đáp ứng yêu cầu của thị trường”.

Cũng theo bà Thơm, hiện nay, nhu cầu thị trường về quả chanh dây tươi rất lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực RCEP. Thực tế cũng cho thấy, sản phẩm chanh dây sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu có giá cao hơn rất nhiều so với chanh múc. Do đó, đây là hướng đi bền vững cho các thành viên và nông dân yên tâm sản xuất.

Còn ông Vũ Thế Bình-Chủ nhiệm Nông hội sầu riêng thôn Cát Tân (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) thì cho biết: “Nông hội hiện có 56 hội viên trồng hơn 80 ha sầu riêng. Những năm qua, Nông hội đã liên kết các nông dân nhằm thống nhất quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng hàng đủ lớn đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Hiện nay, Nông hội đang xúc tiến triển khai trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng. Sản phẩm sầu riêng của Nông hội được các doanh nghiệp thu mua với giá cao và tiếp tục đặt vấn đề thu mua để xuất khẩu trong thời gian tới”.

cac-thanh-vien-nong-hoi-sau-rieng-thon-cat-tan-xa-ia-bang-huyen-chu-prong-da-tham-gia-san-xuat-theo-quy-trinh-vietgap.jpg
Các thành viên Nông hội Sầu riêng thôn Cát Tân (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) tham gia sản xuất sầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: V.T

Đánh giá hiệu quả của việc liên kết sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo nguyên tắc đầu vào rõ ràng, đầu ra ổn định, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Nông sản của Gia Lai hiện đã thâm nhập vào thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tạo cơ hội cho nông sản Gia Lai tiến vào các thị trường lớn.

Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn là cà phê và trái cây. Hai ngành hàng này đóng góp hơn 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong khoảng 3 năm gần đây.

Bên cạnh những thuận lợi về thuế quan thì các hàng rào kỹ thuật thương mại đang là yêu cầu khắt khe, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải nhanh chóng thích ứng.

Việc liên kết sản xuất với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn, tạo ra nguồn hàng chất lượng.

"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung theo định hướng liên kết gắn với tiêu thụ. Vì vậy, xây dựng HTX, tổ hợp tác lớn mạnh, đủ năng lực, chủ động tham gia liên kết với các doanh nghiệp sẽ từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất gắn với chế biến và xuất khẩu”-ông Có thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm