Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. Về phía tỉnh Đồng Nai, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; các Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng đại diện Ban Biên tập, cán bộ chủ chốt, phóng viên của 7 cơ quan báo Đảng khu vực Đông Nam Bộ và 20 cơ quan báo Đảng các địa phương trong cả nước; các chuyên gia kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 do Báo Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Minh Nguyễn |
Lan tỏa thông điệp tuyên truyền
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn nhấn mạnh: Hội thảo lần này nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp tuyên truyền của các cơ quan báo Đảng khu vực Đông Nam Bộ và các khu vực khác trong cả nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng và cả nước. Mục đích cụ thể là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ; đồng thời giới thiệu với các cơ quan báo bạn trong khu vực và cả nước về tình hình kinh tế-xã hội, những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh Đồng Nai.
Tổng Biên tập Báo Đồng Nai cho rằng: Các tham luận từ hội thảo không chỉ nêu bật một số mô hình tốt, cách làm hay, kinh nghiệm quý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền liên kết vùng mà còn có nhiều đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn việc tuyên truyền liên kết vùng của báo Đảng trong thời gian tới. “Hội thảo sẽ trở thành diễn đàn, cầu nối để các cơ quan báo Đảng chia sẻ, đúc kết những kinh nghiệm hay, từ đó có thể vận dụng linh hoạt vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương”-Tổng Biên tập Báo Đồng Nai nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Quốc Minh-Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo Đảng địa phương đã trình bày tham luận, đóng góp nhiều cách làm, bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới. Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Phạm Văn Trường cho biết: Báo đã xây dựng chuyên trang về vùng Đông Nam Bộ và có trang tuyên truyền về vùng sớm nhất. Cùng với đó, Báo cũng tăng cường hợp tác, thông tin tại các địa phương trong vùng cũng như tuyên truyền, thông tin từ TP. Hồ Chí Minh về với các địa phương để lan tỏa thông tin về kinh tế-xã hội của các địa phương. “Hiểu được đặc trưng, bản sắc của vùng sẽ giúp khơi gợi, cộng hưởng, sức mạnh phát triển của vùng, do đó các cơ quan báo chí địa phương cùng liên kết, xây dựng cơ chế riêng để cùng tuyên truyền hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời tận dụng những lợi thế này để có cơ chế trao đổi thông tin, phát huy vai trò của mình để tạo ra hiệu quả, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”-Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định.
Trong khi đó, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương Huỳnh Minh Dân cho rằng, đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng từ lâu đã trở thành một vấn đề quan trọng của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Do vậy, Báo Bình Dương đã và đang có những tuyến bài về đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông với thông tin đa chiều được bạn đọc, các cấp chính quyền, đơn vị liên quan đánh giá cao. Công tác này vẫn tiếp tục được đơn vị chú trọng để góp phần tạo sự đồng thuận cao nhất, bảo đảm giải phóng mặt bằng thuận lợi, giúp các dự án kết nối vùng hoàn thành sớm, thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng. Cũng theo Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương, thông tin đa chiều đã trở thành “cầu nối” giữa chính quyền, các cơ quan liên quan và người dân nhằm tìm kiếm tiếng nói chung vì mục tiêu phát triển, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức liên quan.
Còn với Báo Long An, nhiều nội dung các chuyên trang, chuyên mục viết về nông nghiệp tập trung truyền thông xây dựng chuỗi liên kết, hình thành vùng trồng quy mô ứng dụng công nghệ cao; việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp tăng tỷ lệ cơ giới hóa, năng suất lao động và ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; các doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh tham gia những hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Phó Tổng Biên tập Báo Long An Châu Hồng Khá cho rằng: “Thông qua công tác tuyên truyền giúp người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận với những tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chính sách mới trong nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết; thay đổi tư duy nhận thức từ sản xuất nhỏ, lẻ sang tập trung lớn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chủ động, tiếp cận và tìm hiểu về quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai Hoàng Thị Bích Phú: Với vai trò của cơ quan báo Đảng địa phương, đơn vị đã có rất nhiều tin bài viết về những khó khăn, thuận lợi, những nỗ lực của các cấp, các ngành trong tiến trình triển khai dự án cũng như nguyện vọng chính đáng của người dân vùng dự án. Công tác thông tin tuyên truyền về dự án sân bay Long Thành của các cơ quan báo Đảng địa phương vùng Đông Nam Bộ đã có đóng góp tích cực để dự án được triển khai thuận lợi, với sự đồng thuận cao của người dân. Do vậy, ngoài các tin bài thời sự chuyển tải trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử, từ năm 2018 đến nay, Báo Đồng Nai cũng đã xây dựng chuyên trang sân bay Long Thành với tần suất 4 chuyên trang mỗi tuần và hiện nay là 2 chuyên trang mỗi tuần. Nội dung chuyên trang đã thông tin toàn cảnh, đầy đủ, chi tiết về dự án. Cùng với đó, Báo Đồng Nai cũng đã xây dựng chuyên trang Đông Nam Bộ để triển khai tuyên truyền các dự án liên kết vùng, trong đó có dự án sân bay Long Thành; qua đó góp phần thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ, tạo động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết vùng
Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai-cho hay: Bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông đa phương tiện như báo in, truyền hình và các nền tảng mạng xã hội, Báo Gia Lai đã truyền tải thông điệp về hợp tác liên kết vùng qua việc phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý và các bên liên quan, từ đó giới thiệu các dự án, tiềm năng, lợi thế của địa phương để tăng cường khả năng hợp tác vùng giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Mặt khác, để tuyên truyền có hiệu quả về hợp tác, liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Báo Gia Lai đã và đang tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền trên các ấn phẩm đang xuất bản. Kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau như báo điện tử, mạng xã hội để lan tỏa thông điệp về hợp tác liên kết vùng Tây Nguyên.
Đồng thời, báo lập kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, thúc đẩy tiến trình hợp tác, liên kết trên tất cả các lĩnh vực; mở chuyên mục theo từng ngành, lĩnh vực để tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn các cơ chế chính sách, dự án phát triển cho vùng Tây Nguyên, tiến trình triển khai và kết quả nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Tận dụng sức mạnh của hình ảnh, video, podcast, inforgraphic để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn giúp bạn đọc dễ tiếp cận nhất.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt giao diện mới của Báo Điện tử Đồng Nai. Ảnh: Minh Nguyễn |
Chiều cùng ngày, Báo Đồng Nai tổ chức lễ ra mắt giao diện mới Báo Đồng Nai điện tử, đánh dấu sự đổi mới, phát triển của báo chí đa phương tiện hiện đại. Giao diện điện tử mới của báo Đồng Nai được xây dựng theo hướng hiện đại, đẹp mắt, nhiều tiện ích; thay đổi nội dung theo hướng gần gũi, hấp dẫn song vẫn đảm bảo tính chính thống của thông tin. Giao diện mới cũng dành nhiều không gian cho nội dung hơn với các thay đổi về font chữ, style bài viết được cải tiến theo hướng chỉn chu và có tính thẩm mỹ cao.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của báo Đảng địa phương về liên kết vùng, Tổng Biên tập Báo Gia Lai đề xuất một số giải pháp như: Chính quyền cần kịp thời hỗ trợ về cơ sở dữ liệu, thông tin từ sở, ngành; đồng thời tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận thông tin kịp thời, hiệu quả. Đây là cơ sở tạo tính phản biện của xã hội thông qua công tác thông tin tuyên truyền và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng, địa phương. Mặt khác là tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình cung cấp thông tin để làm cơ sở kết nối tuyên truyền đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia một cách thống nhất.
“Báo Đảng địa phương cần liên kết, chia sẻ thông tin, mở rộng, tổ chức nhiều chương trình talkshow, gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, nhằm truyền tải thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự giao lưu và tạo ra mạng lưới liên kết giữa các đối tác và cộng đồng. Cùng với đó, chính quyền cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho cơ quan báo chí trong công tác phối kết hợp tuyên truyền. Đặc biệt, tạo cho các báo tổ chức hiệu quả hơn các chương trình gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, tổ chức các chuyến đi đến các địa phương khác để tuyên truyền về liên kết vùng”-nhà báo Huỳnh Kiên nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của báo Đảng địa phương đối với liên kết vùng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Tổng Biên tập Báo Cần Thơ Nguyễn Thanh Tuấn cũng kiến nghị các ngành chức năng cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời hơn cho các cơ quan báo chí; nhất là trong những dự án mới, những dự án đang được công chúng quan tâm. Cùng với đó là quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ nhà báo viết về kết nối giao thông vận tải nói riêng; xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kết nối giao thông vận tải; chú trọng phản ánh những thành quả phát triển kinh tế-xã hội mà các dự án, công trình mang lại...
Cùng quan điểm này, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương Huỳnh Minh Dân cho rằng: Để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, các báo Đảng địa phương trong vùng cần xây dựng quy chế phối hợp, hỗ trợ, trao đổi thông tin chặt chẽ, cụ thể hơn, tránh tình trạng độc quyền thông tin, phạm vi lan tỏa khu trú trong từng địa phương. Sự phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ thông tin giữa các báo Đảng trong vùng cũng nên mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự phối hợp thông tin đa dạng, toàn diện, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao cho không riêng tờ báo nào, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng Đông Nam Bộ mà mục tiêu của Nghị quyết 24 đã đặt ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Từ sự liên kết của các cơ quan báo Đảng trong việc hợp tác, hỗ trợ truyền thông đã góp phần lan tỏa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, việc giao lưu, trao đổi thông tin cũng góp phần hỗ trợ nhau phát triển, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương; đồng thời kỳ vọng hệ thống cơ quan báo Đảng địa phương có sự gắn bó khăng khít hơn; xây dựng nhiều mô hình liên kết hiệu quả giữa các ngành, địa phương; tăng cường hơn nữa trong “liên kết vùng” để vừa hợp tác vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế của báo chí.