Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Bão chồng bão trên Biển Đông vào cuối năm có bất thường?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo ý kiến chuyên gia, hiện tượng bão chồng bão Biển Đông không phải thường xuyên nhưng cũng không phải hiếm gặp. Từ nay đến hết năm, không loại trừ khả năng xuất hiện bão mạnh trên Biển Đông.

Những ngày qua, Biển Đông liên tiếp đón 2 cơn bão số 7 (bão Yinxing) và số 8 (bão Toraji). Đáng chú ý, đã có những thời điểm 2 cơn bão này hoạt động cùng lúc trên Biển Đông, gây ra hiện tượng bão đôi.

Bản đồ bão số 7 và bão số 8 hoạt động trên Biển Đông ngày 10.11
Bản đồ bão số 7 và bão số 8 hoạt động trên Biển Đông ngày 10.11

Trao đổi với Thanh Niên về hiện tượng này, TS Trương Bá Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng khoa học, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cho biết trong khí tượng học, hiện tượng bão đôi được biết đến là hiệu ứng Fujiwhara (được đặt tên theo nhà khí tượng học Nhật Bản).

Bão đôi xảy ra khi hai cơn bão hoặc hệ thống áp thấp nhiệt đới di chuyển gần nhau và tương tác, xoay quanh một tâm điểm chung. Khi khoảng cách giữa chúng đủ gần, hai hệ thống này có thể bị cuốn vào nhau, hợp nhất hoặc chuyển hướng theo một quỹ đạo mới. Hiệu ứng Fujiwhara thường xảy ra khi khoảng cách giữa hai cơn bão dao động từ 1.000 - 1.500 km.

Nếu hai cơn bão ở khoảng cách gần hơn, chúng có xu hướng hợp nhất và mạnh lên; ngược lại, nếu khoảng cách xa hơn, mỗi cơn bão có thể tiếp tục di chuyển độc lập. Khi hai cơn bão có kích thước không đồng đều, cơn bão lớn hơn sẽ chi phối sự tương tác, khiến cơn bão nhỏ hơn quay quanh mình.

Theo TS Trương Bá Kiên, hiện tượng bão đôi xuất hiện không thường xuyên nhưng cũng không phải hiếm. Trong những năm gần đây, Biển Đông cũng từng xuất hiện bão đôi gồm: tháng 10.2020, bão Saudel và bão Molave cùng hoạt động ở Biển Đông, ảnh hưởng mạnh đến khu vực miền Trung Việt Nam; tháng 12.2017, bão Kai-tak và bão Tembin hoạt động trên Biển Đông; tháng 9.2009 có bão Pama và bão Melor hoạt động.

Tháng 12.2017, bão Kai-tak và bão Tembin hoạt động trên Biển Đông (bên trái); tháng 9.2009 có bão Pama và bão Melor hoạt động (bên phải)
Tháng 12.2017, bão Kai-tak và bão Tembin hoạt động trên Biển Đông (bên trái); tháng 9.2009 có bão Pama và bão Melor hoạt động (bên phải)

Đặc biệt là tháng 8.2013, bão Jebi và bão Mangkhut hoạt động gần như cùng thời điểm, ảnh hưởng đến khu vực Biển Đông; tháng 8.2006, 2 cơn bão Saomai và Bopha cũng hoạt động gần nhau và có tác động qua lại về hướng di chuyển. Theo thống kê, hiện tượng này thường xảy ra nhiều hơn những năm thuộc pha lạnh của ENSO, TS Kiên cho biết.

Ông Kiên thông tin, theo các nghiên cứu gần đây và theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc, khi đánh giá và dự tính các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến bão cho thấy, BĐKH với xu thế nóng lên toàn cầu cả khí quyển và nhiệt độ bề mặt nước biển đã và đang tác động đến các điều kiện hình thành và phát triển của các cơn bão trên tất cả các đại dương. Điều này thể hiện ở độ dài của mùa bão, tần suất hoạt động, cường độ mạnh nhất có thể đạt được, lượng mưa, tốc độ thay đổi cường độ và quỹ đạo chuyển động, sự tồn tại sau khi đổ bộ.

Năm 2024 là năm nóng nhất lịch sử
Năm 2024 là năm nóng nhất lịch sử

"Chưa thể khẳng định chắc chắn rằng BĐKH trực tiếp làm gia tăng tần suất "bão đôi" nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng BĐKH làm biến đổi về tần suất bão, trong đó có tần suất "bão đôi". Đối với mùa bão năm 2024, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng như Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có những dự báo, nhận định sớm từ trước mùa bão rằng số cơn bão năm nay sẽ thấp hơn cho đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mùa bão đến muộn và dồn dập trong khoảng tháng 9 - 11 hay được gọi là "mùa thu La Nina", TS Trương Bá Kiên phân tích.

Theo TS Kiên, nguyên nhân bão xuất hiện dồn dập ngoài BĐKH là do năm chuyển pha nhanh từ El Nino sang pha lạnh La Nina. Quá trình chuyển pha quan trắc được và dự báo được xếp vào chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.

Cụ thể, theo Trung tâm Khí hậu Copernic's, năm 2024 sẽ là năm nóng nhất lịch sử từ thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Năm 2024 dù được dự báo là năm có điều kiện khí quyển đại dương thuộc pha lạnh La Nina nhưng nhiệt độ bề mặt nước biển vẫn ấm hơn trung bình nhiều năm, đây cũng là một điểm bất thường, góp phần vào việc cung cấp nhiệt ẩm để bão hình thành, phát triển.

"Do vậy, năm 2024 số lượng bão thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm trên Biển Đông, nhưng lại dồn dập vào cuối mùa. Từ giờ đến hết năm, không loại trừ có khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh hay có diễn biến phức tạp về cường độ hay quỹ đạo trên Biển Đông", TS Kiên cảnh báo.

TS Kiên cho biết thêm, hiện nay chưa thể khẳng định chu kỳ xuất hiện những cơn bão chồng bão, hay còn gọi bão đôi, bão ba, bởi các mô hình dự tính tương lai cho bão mới chỉ dừng ở số lượng các cơn bão. Việc hình thành các cơn bão sẽ phụ thuộc vào chu kỳ của các hoàn lưu quy mô lớn, đặc biệt là hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới và thay đổi theo từng năm, cũng như thay đổi ở các khu vực đại dương khác nhau.

Theo Đình Huy (TNO)

Có thể bạn quan tâm