Có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người mắc Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng thiếu kiểm soát trong phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến làm lây nhiễm dịch bệnh trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021.
Với dự báo giao thông vận tải nội địa đang dần phục hồi và dự báo xu hướng sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021, làm gia tăng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hoá và mật độ phương tiện tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và dịch vụ vận tải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh, thành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân.
Chú trọng vận động nhân dân thực hiện: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt; mặc áo phao đúng quy định khi đi đò; rửa tay đúng cách và mang khẩu trang khi tham gia giao thông...
Vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi lại trong dịp nghỉ tết và dự lễ hội xuân. Cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong dịp tết và tại khu vực diễn ra lễ hội xuân trong các bản tin thời sự.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện phổ biến và yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông; chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu xe trực tiếp cho công nhân, sinh viên và người lao động; bố trí thời gian phù hợp để người lao động, sinh viên nghỉ tết và trở lại làm việc, học tập, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng dịch Covid-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân. Chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi: điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường; dừng, đỗ phương tiện trái phép; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không nhường đường cho xe ưu tiên; đi vào làn đường khẩn cấp; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không có giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm...
Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn tết do thiếu phương tiện; giảm thiểu tối đa tình trạng chậm, huỷ chuyến; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 tham gia giao thông.
Thực hiện thu phí đường bộ không dừng, chủ động mở trạm, tạm dừng thu phí để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc tắc giao thông; xử phạt nghiêm đối với các phương tiện không đủ điều kiện đi vào cửa thu phí điện tử không dừng (ETC) gây ùn tắc giao thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng, tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố về hạ tầng; hoàn thành công tác nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 30-1-2021.
Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ tết trên các tuyến trục chính ra vào trung tâm TP Hà Nội và TPHCM; các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức lễ hội xuân.
Có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người mắc Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng thiếu kiểm soát trong phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến làm lây nhiễm dịch bệnh trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Theo PHAN THẢO (SGGPO)