Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Báo động nạn sát hại người quen cướp của, quỵt nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dư luận mấy ngày qua xôn xao, bàng hoàng về nghi can Nguyễn Văn Tùng (36 tuổi, trú thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) ra tay sát hại bà Phạm Thị Ngọc Diệp (38 tuổi, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Sê) âm mưu quỵt nợ 150 triệu đồng.
 

Ảnh: Nguyễn Huy
Ảnh: Nguyễn Huy

Trước đó, vào chiều 20-2-2017, tại xã Ea M’Nang (huyện Cư M’Gar, tỉnh Đak Lak), Công an phát hiện thi thể chị Lê Thị Xuân (SN 1968, trú xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak) mất tích đã 7 ngày, trong tình trạng thi thể không nguyên vẹn, bị nhét trong bao tải bên bờ suối. Nghi phạm Nông Văn Kỳ (SN 1994, ở cùng xã với nạn nhân) đã uống thuốc diệt cỏ tại nhà riêng và đã tử vong vào 19 giờ 30 phút ngày 19-2, trước ngày Công an tìm thấy xác nạn nhân.

Năm 2013, dư luận cũng bàng hoàng vụ vợ Bí thư xã Kim Long (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là Lê Thị Hường vay mượn tiền của vợ chồng ông Nguyễn Chí Hùng (SN 1961) và Phan Ngọc Nga (SN 1960) rồi dụ họ về vườn nhà để sát hại. Ngày 15-1-2013, bà Hường nhiều lần gọi điện hối thúc bà Nga tới nhà riêng của bà Hường (ở ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để tính toán lại tiền bạc còn nợ. Hường dụ vợ chồng ông Hùng-bà Nga ra vườn và chém nhiều nhát vào đầu và tay nạn nhân nhưng hành vi giết người của Hường chưa hoàn thành vì bị vợ chồng ông Hùng kêu cứu người dân xung quanh. Cơ quan Điều tra cũng phát hiện trong vườn nhà bà Hường một bộ tro cốt nghi của một chủ nợ bị giết phi tang trước đó.

Nạn nhân của 3 vụ giết người trên có điểm chung là mất cảnh giác khi tin đối tượng quen biết, là khách hàng từ lâu. Họ hoàn toàn mất cảnh giác khi tiếp xúc với kẻ thủ ác. Không ai ngờ những con người vốn chân chất như thế đã âm thầm lên kế hoạch giết người quen, là khách hàng của mình chẳng gớm tay chỉ vì một vài trăm triệu đồng.

Hẳn các thủ ác khi lên kế hoạch hành động cứ nghĩ mình đã làm chu đáo, không ai có thể phát hiện ra được tội lỗi. Song khi mọi chuyện xảy ra, sự ám ảnh về cái chết của người mà họ ra tay sát hại một cách oan uổng đã hành hạ hung thủ. Nông Văn Kỳ buộc phải tự tử mặc dù xác chị Xuân vẫn chưa tìm ra. Nguyễn Văn Tùng phải đầu thú ngay khi sự việc vỡ lở.

Thực tế thời gian qua các vụ trọng án giết người, bất kể vì động cơ gì thì hung thủ cũng khó thoát khỏi lưới pháp luật. Những kiểu phạm tội bộc phát càng dễ bị phát hiện bởi các đối tượng gây án không phải loại giết người chuyên nghiệp, không am tường các thủ đoạn tẩy xóa dấu vết, nên khi lực lượng chức năng vào cuộc hành vi gây án ngay lập tức bị phát hiện. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vu, các cơ quan điều tra nhanh chóng khoanh vùng đối tượng nghi vấn và tìm ra hung thủ.

Làm sao ngăn ngừa được tình trạng người quen thân ra tay giết người để cướp của, quỵt nợ? Ngoài việc giáo dục ý thức, tôn trọng mạng sống và thân thể của người khác cho các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sự ứng xử, tôn trọng nhau của những thành viên trong gia đình, thiết nghĩ mỗi con người cần nâng cao cảnh giác trong mọi trường hợp. Đó là những biểu hiện bất thường của người quen, đặc biệt là những con nợ, những kẻ có dấu hiệu thua lỗ, nợ nần. Giết người diệt khẩu, giết người cướp của, quỵt nợ... là những chuyện xưa nay vẫn xảy ra. Giàu có, cho vay, cho mượn đôi lúc trở thành mục tiêu của những kẻ túng quẫn. Vì thế, trong các mối quan hệ, giao dịch, nhất là khi phát sinh tiền bạc với các đối tượng túng quẫn, đối tượng bất hảo, lười lao động, ăn chơi hư hỏng phải đặc biệt chú ý.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm