Pháp luật

Tin tức

Báo động tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu hiểu biết về Luật Giao thông Đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân khiến tình hình tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp.

Gia tăng tai nạn giao thông

Những năm qua, đời sống của người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Có điều kiện kinh tế, cùng với việc mạng lưới giao thông được đầu tư mở rộng đến tận thôn, làng của các xã vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện để người dân dễ dàng mua sắm phương tiện xe máy phục vụ đi lại và giao thương. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện chưa có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tộc thiểu số sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật như: xe không có đèn, phanh, gương chiếu hậu diễn ra phổ biến. Ngoài ra, một bộ phận người dân tộc thiểu số còn thiếu ý thức, chưa chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.

 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: H.V
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: H.V

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 600 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người người dân tộc thiểu số, làm chết hơn 700 người và làm bị thương hơn 500 người. Còn trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông, làm chết 137 người, bị thương 282 người. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số là 84 vụ (chiếm 39,25%), làm chết 41 người và làm bị thương 82 người. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ của một bộ phận người dân tộc thiểu số. Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số trong thời gian qua thì hầu hết rơi vào đối tượng từ 18 đến 40 tuổi, với các lỗi vi phạm như: đi sai làn đường, phần đường, lấn đường; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ; tránh vượt sai quy định; sử dụng rượu, bia; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật…

Xác định tai nạn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt nguồn từ sự chủ quan và nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả số người chết và số người bị thương. Tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ trọng lớn. Những tồn tại này có một phần nguyên nhân do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông chưa làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức thành hành động của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh-thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tượng thanh-thiếu niên càn quấy chạy xe mô tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng ở một số địa phương vẫn chưa được xử lý dứt điểm nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng liên quan đối tượng này. Công tác quản lý trật tự an toàn giao thông của cấp ủy, chính quyền cấp xã còn mờ nhạt, chưa thật sự vào cuộc một cách mạnh mẽ và hiệu quả…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước thực trạng trên, để kiềm chế tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số nói riêng, Thượng tá Lê Phúc Điền-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “Ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các nội dung tuyên truyền thời gian tới, chúng tôi sẽ đổi mới bằng phương pháp trực quan sinh động để đơn giản hóa, gần gũi, dễ hiểu hơn với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp để nâng cao vai trò của cán bộ cơ sở trong công tác tuyên truyền; tăng cường hoạt động của các tổ tự quản trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa phương. 

"Ngoài ra sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe thường xuyên mở các lớp đào tạo, cấp bằng lái xe cho người dân ở cơ sở. Từ đó, người dân có điều kiện tiếp cận rõ hơn về Luật Giao thông Đường bộ, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và xử lý các tình huống khi tham gia giao thông”-Thượng tá Lê Phúc Điền cho biết thêm.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm