TN - Đất & Người

Báo động tình trạng tai nạn thương tích trẻ em ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, tai nạn thương tích khiến nhiều trẻ em tử vong, gióng lên hồi chuông báo động.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, tính từ đầu năm đến giữa tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh này xảy ra 120 vụ tai nạn thương tích, làm 33 em tử vong. Trong đó, có 24 vụ đuối nước làm 28 em tử vong (chiếm 84,8%), 2 vụ tai nạn giao thông làm 2 em tử vong...

Ám ảnh tiếng kêu cứu

Tối 24/10, chúng tôi chứng kiến không khí tang thương ở thôn Nam Định (xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, Đắk Nông). Nhiều thầy cô trường Nguyễn Đức Cảnh không cầm được nước mắt khi có mặt chia buồn, động viên gia đình cháu T.

Trước đó, trưa cùng ngày, cháu N.Đ.T. (SN 2011) học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh cùng 3 bạn khác ra đập Thổ Hoàng 3 tắm. Đến khoảng 14 giờ, trong lúc tắm, T. bị đuối nước nên các bạn đi cùng hốt hoảng chạy tìm người dân gần đó hỗ trợ. Tuy nhiên, do nước lớn, khi mọi người tìm thấy T. thì nạn nhân đã tử vong.

Hồ chứa nước nơi em H. (8 tuổi) tử vong

Hồ chứa nước nơi em H. (8 tuổi) tử vong

Cũng tại Đắk Nông, gần nửa tháng trôi qua, nhưng 6 em nhỏ dân tộc H’Mông trú ở thôn 6 (xã Đắk R’măng, Đắk G’Long) vẫn chưa thôi xót xa và ám ảnh tiếng kêu cứu của bạn G.T.N.H. (8 tuổi) sau khi xuống tắm hồ.

Trước đó, trưa 18/10, H. cùng 5 người bạn đi tắm ở hồ chứa nước gần nhà. Sau khi tắm được 15 phút cả nhóm phát hiện H. hoảng loạn kêu cứu. Do cả nhóm không ai biết bơi, các em đã chạy về nhà tìm người hỗ trợ. Nhận được tin báo, người dân xung quanh cùng bố mẹ vội vã đi tìm thì thấy H. tử vong dưới hồ nước sâu khoảng 2 mét.

Thượng tá Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em hay bị đuối nước được xác định do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, hoặc biết bơi nhưng trẻ chủ quan.

Người dân làm hồ chứa nước để tưới cây

Người dân làm hồ chứa nước để tưới cây

“Ngoài ra, môi trường sống của trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa thật sự an toàn, nhiều hộ gia đình thường dựng nhà ở rẫy, gần ao, hồ, sông, suối. Người dân thường múc đất làm hồ chứa nước bằng bạt, không có hàng rào bảo vệ, che chắn, các giếng, bể nước không có nắp đậy… khiến trẻ dễ bị đuối nước”, thượng tá Nam cho biết thêm.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn đuối nước khiến 30 trẻ em tử vong.

Học bơi là chưa đủ

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương, Công an các huyện, thành phố rà soát những khu vực, địa điểm dễ xảy ra đuối nước . Đặc biệt các hồ chứa nước tưới cà phê, cây công nghiệp của người dân để triển khai các biện pháp phòng ngừa như: Cắm hơn 1.200 biển cảnh báo, dùng săm xe cũ làm phao cứu sinh, đóng cọc, buộc dây thả nổi trên mặt hồ, làm rào chắn quanh hồ... Đây là các biện pháp tuyên truyền trực quan rất thiết thực, hiệu quả.

Theo thượng tá Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, các gia đình cần thường xuyên giám sát con, không để các cháu ở nhà, vui chơi một mình. Đối với các em học sinh, phụ huynh và nhà trường cần quản lý giờ giấc, trang bị kiến thức, an toàn khi tham gia môi trường nước và cách nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.

Nhiều em học sinh được học bơi miễn phí ở Bể bơi phòng chống đuối nước thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Nông.

Nhiều em học sinh được học bơi miễn phí ở Bể bơi phòng chống đuối nước thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Nông.

Thượng tá Nam cho rằng, khi trẻ em có kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo đuối nước sẽ vơi bớt phần nào. Đặc biệt, các em cần được trang bị thêm những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước như thông báo cho người ở gần; nếu không có phao cứu sinh, các em tìm dây, cành cây, khúc gỗ cho nạn nhân.

Anh Trương Văn Bình, Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Nông cho biết, để giảm thiểu tình trạng trẻ em đuối nước , các tổ chức đoàn đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai hơn 17 lớp tập huấn các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, mở 27 lớp dạy bơi cho đông đảo thiếu nhi trên địa bàn. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn Đắk Nông còn trao tặng các tủ sách hướng dẫn kỹ năng an toàn cho thiếu nhi vùng đặc biệt khó khăn…

“Tháng 4 vừa qua, Tỉnh Đoàn Đắk Nông đã khánh thành Bể bơi phòng chống đuối nước thanh thiếu nhi tỉnh, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng. Tại lễ khánh thành, Ban tổ chức đã tặng gần 1.000 vé bơi miễn phí cho học sinh của 8 trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Gia Nghĩa”, Anh Trường Văn Bình cho biết thêm.

Để tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt do cháy, nổ, đuối nước, giao thông, bệnh dại, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ.

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, gia đình, cộng đồng về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em.

Ngoài ra, các địa phương cần huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo sửa chữa các công trình, vị trí có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.

Có thể bạn quan tâm