(GLO)- Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội. Để hạn chế tình trạng này rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của gia đình và xã hội.
Khi “yêu râu xanh” đội lốt người thân quen
Đến bây giờ, người dân xã Hà Ra (huyện Mang Yang) vẫn không khỏi bức xúc về chuyện 2 cháu Y. (SN 2011) và H. (SN 2013) bị chính cha ruột là Đinh Vep (SN 1977) thực hiện hành vi xâm hại. Do mẹ mất sớm nên 2 chị em Y. và H. ở cùng cha trên rẫy để phụ giúp công việc. Ai ngờ, để thỏa mãn dục vọng bản thân, tháng 7-2021, sau khi đi nhậu về, Vep đã 2 lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục 2 con ruột của mình. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, Vep còn đe dọa sẽ giết nếu 2 cháu nói cho người ngoài biết. Tuy nhiên, 2 chị em đã kể lại với bác ruột mình. Nắm được sự việc, người bác đã trình báo cơ quan Công an để xử lý gã đàn ông mất nhân tính.
Đoàn thanh niên Công an huyện Đak Đoa phối hợp với đơn vị liên quan tập huấn kỹ năng phòng-chống bạo lực và xâm hại trẻ em tại địa phương. Ảnh: R'Ô HOK |
Tương tự, người dân ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) vẫn chưa hết xót thương cháu R.C.V. (SN 2013) bị người hàng xóm giở trò đồi bại. Theo lời kể, Rơ Lan Núp (SN 2001) là người quen biết gia đình cháu V. Khoảng 11 giờ ngày 18-1-2022, Núp nhìn thấy cháu V. đang đi bộ từ trường học về nên nảy sinh ý định xấu. Núp bảo cháu V. lên xe máy của mình để chở về nhà, đồng thời đe dọa đánh cháu V. nếu không đi. Hoảng sợ nên cháu V. đành lên xe của Núp. Sau đó, Núp chở nạn nhân đến khu vực rẫy cà phê của người dân trong làng rồi thực hiện hành vi đồi bại. Sau khi xảy ra sự việc, mẹ của cháu V. đã đến cơ quan Công an trình báo toàn bộ hành vi phạm tội của đối tượng. Biết mình không thể thoát tội nên Núp đã đến cơ quan Công an đầu thú. Ngày 31-8-2022, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt sơ thẩm Núp 18 năm tù vì tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Tăng cường giải pháp phòng ngừa
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 55 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 47 vụ xâm hại tình dục. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tập trung tại huyện Chư Păh, Chư Prông, thị xã An Khê và TP. Pleiku.
Ông Thiều Hữu Minh-trợ giúp viên pháp lý (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp) cho biết: Năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thụ lý 342 vụ việc. Trong đó, Trung tâm đã tham gia tố tụng 31 vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại. Những vụ xâm hại này đều để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc trong dư luận. Sau sự việc xảy ra, nhiều nạn nhân bị tổn thương tâm lý, thường không muốn gặp người lạ dẫn đến việc tìm hiểu nội dung sự việc, lấy lời khai của cán bộ gặp nhiều khó khăn. “Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, đồng thời hỗ trợ cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, xác định sự thật khách quan, làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, sau khi nắm bắt các trường hợp cụ thể, Trung tâm phân công trợ giúp pháp lý viên nữ hoặc luật sư nữ (luật sư ký hợp đồng với đơn vị) thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế, đội ngũ cán bộ nữ còn dễ dàng gần gũi, am hiểu tâm lý giới tính, nguyện vọng trẻ em, góp phần đảm bảo danh dự, nhân phẩm của nạn nhân”-ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Võ Như Minh Quang-Trưởng phòng Chính sách xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: Hiện nay, trẻ em bị xâm hại tình dục phần lớn tập trung ở độ tuổi 13 đến dưới 16. Các vụ xâm hại xảy ra chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự non nớt về thể chất và nhận thức của trẻ em để dụ dỗ bằng vật chất, tinh thần hoặc dùng vũ lực để thực hiện hành vi xâm hại. Ngoài ra, các đối tượng phạm tội đa số có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, có mối quan hệ thân quen, gần gũi với trẻ và gia đình. Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng trên một phần do nhiều gia đình thiếu sự quản lý, giám sát thường xuyên; do điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… khiến các em thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Ông Quang cho biết thêm: Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phát hiện trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại để kịp thời có biện pháp phòng ngừa; thực hiện quy trình tiếp nhận thông tin, can thiệp, hỗ trợ đối với trẻ em bị xâm hại và trẻ em có nguy cơ bị xâm hại theo quy định Luật Trẻ em và văn bản pháp luật liên quan. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan triển khai trợ giúp, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, đơn vị tăng cường công tác phối hợp với ngành Công an, Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp trong công tác phòng ngừa, thông tin, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng-chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
R’Ô HOK