TN - Đất & Người

Bao giờ Đà Lạt, Bảo Lộc có tên đường Trịnh Công Sơn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trịnh Công Sơn là một hiện tượng đặc biệt của âm nhạc Việt Nam với hơn 500 ca khúc viết về quê hương, đất nước, về tình yêu, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước; về triết lý nhân sinh… được những người yêu nhạc trong và ngoài nước ngưỡng mộ.
Trịnh Công Sơn vẽ lại qua ảnh của họa sĩ Giang Phong (Bảo Lộc)

Trịnh Công Sơn vẽ lại qua ảnh của họa sĩ Giang Phong (Bảo Lộc)

Đà Lạt đã có sức quyến rũ mạnh mẽ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và trở thành nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bản tình ca sâu lắng. Cuối tháng 8/1964, sau khi nhận nhiệm sở ở B'Lao (Bảo Lộc), Trịnh Công Sơn lên Đà Lạt và lần đầu tiên gặp ca sĩ Lệ Mai (tức ca sĩ “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly sau này) ở Thương xá Tulipe Rouge. Mùa hè năm 1965, ông bỏ dạy, về Sài Gòn và gặp Khánh Ly. Họ đã có buổi ra mắt đầu tiên tại Trường Đại học Văn khoa với đông đảo sinh viên, trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản do Trịnh Công Sơn đàn, Khánh Ly đã hát say sưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người, làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và được coi là thần tượng của giới trẻ khi ấy.

Năm 1967, với sự giúp đỡ của hai chị em Cao Thị Quế Hương (nguyên Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng) và Cao Thu Cúc cùng với giáo sư sử học Trần Viết Ngạc, Trịnh Công Sơn đã lên Đà Lạt và có hai đêm hát ở Trường Tư thục Việt Anh và Viện Đại học Đà Lạt. Mỗi đêm, ông tự ôm đàn ghi ta và một mình hát hơn 20 ca khúc do mình sáng tác. Trịnh Công Sơn đã đón nhận sự vỗ tay nồng nhiệt hưởng ứng đặc biệt của công chúng Đà Lạt cũng như hàng trăm em sinh viên xếp hàng xin chữ ký…

Trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đã có một số ca khúc viết tại Đà Lạt, như: Có một dòng sông đã qua đời, Như cánh vạc bay, Hoa vàng mấy độ… Mỗi ca khúc là một câu chuyện tình có thật mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người trong cuộc.

Trịnh Công Sơn tốt nghiệp khóa I Trường Sư phạm Quy Nhơn (1962-1964) và được điều về Ty tiểu học Lâm Đồng (tỉnh lỵ đặt tại B'Lao, nay là TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) vào tháng 8/1964. Trịnh Công Sơn được bổ nhiệm làm trưởng giáo ở Trường sơ học Bảo An, nhưng ông chỉ chú tâm đến việc sáng tác âm nhạc. Trong niên học 1964-1965, tại B'Lao, Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều ca khúc tạo được dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông, như: Chiều một mình qua phố, Vết lăn trầm, Lời buồn thánh, Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng…

Cũng tại B'Lao, Trịnh Công Sơn đã viết 108 lá thư gửi Dao Ánh - một cô gái Huế mà ông quý mến. Năm 2011, Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh đã tập hợp và cho ra mắt ấn phẩm “Thư tình gửi một người” của Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong “Lời thưa” của cuốn sách, đã tâm sự: “Tựa tập sách là Thư tình gửi một người nhưng có lẽ những lá thư này không chỉ bày tỏ tình yêu thương vô hạn dành cho một người con gái mà còn là biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu. Mặt khác, những dòng thư gửi Ánh - Hướng Dương còn giúp giải mã rất nhiều ca từ và ca khúc của Trịnh Công Sơn, những bài hát đến hôm nay vẫn sống mãi sau bao dâu bể cuộc đời”. Đó không chỉ là những lá thư tình viết về nỗi nhớ nhung, yêu thương mà trong đó còn biết bao trăn trở, suy tư về thời cuộc, về con người, về đất nước.

Năm 1988, Hội Phụ nữ tỉnh đã mời các nhạc sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng đi sáng tác về đề tài phụ nữ, trong đó có Trịnh Công Sơn. Ông đã đến Đồng Đò (Di Linh) và có bài bát “Tình khúc Ơ-bai”.

Sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm mười năm, nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Huế (Thừa Thiên Huế), TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Hồ (Đắk Lắk)… đã đặt tên đường và làm tượng đài ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với đất nước và sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.

Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh… là những địa danh mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng gắn bó sâu nặng, là nơi ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng của ông. Người dân Đà Lạt, Bảo Lộc, Lâm Đồng và người yêu nhạc mong muốn sớm có tên đường Trịnh Công Sơn ở thành phố, huyện lỵ của mình - như một ghi nhận của một nhạc sĩ cả cuộc đời dâng hiến cho âm nhạc.

Có thể bạn quan tâm