Thể thao

Bao giờ V.League bán được bản quyền truyền hình?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi bản quyền truyền hình Thái League "hái ra tiền" thì V.League vẫn loay hoay đổi quảng cáo. 
DAZN - công ty có trụ sở tại London (Anh) đưa ra lời đề nghị lên đến 2 tỉ baht/mùa (khoảng 1.450 tỷ đồng) dành cho gói bản quyền truyền hình Thai League kéo dài từ năm 2021 - 2028.
Quy mô của gói bản quyền này còn mở rộng bao trùm cả giải hạng Ba, hạng Tư, các trận đấu thuộc giải futsal với số tiền lên đến 16 tỉ baht (khoảng 11.500 tỷ đồng). DAZN đang hướng đến quyết định độc quyền phát sóng các giải đấu quan trọng nhất của bóng đá của Thái Lan. 
Thực tế, bản quyền ở Thai League được ví như miếng bánh ngọt với các đơn vị truyền hình. Trong 10 năm qua, True Vision là đơn vị luôn chiếm ưu thế trong việc sở hữu bản quyền truyền hình Thai League 1 (vô địch quốc gia) và Thai League 2 (hạng Nhất).
Trong khi đó, Siam Sport dù thất thế nhưng cũng đã sở hữu bản quyền Cúp Liên đoàn và Cúp Quốc gia (Thái FA Cup), Thái League 4 (hạng Ba). Còn Mycujco, nền tảng phát sóng trực tuyến trên internet sở hữu Thai League 3 (hạng Nhì) giai đoạn 3 năm gần đây. 
 
V.League 2020 mới trải qua 2 vòng đấu. Ảnh: VPF
Trở lại với câu chuyện V.League, Liên đoàn bóng đá VFF cách đây 10 năm đã có thể khai thác với bản hợp đồng có trị giá 6 tỉ đồng/mùa từ AVG, với thời hạn 20 năm có lũy tiến.
Tại Hội nghị tổng kết các giải chuyên nghiệp 2011, ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã tung ra "cú đấm thép", công kích VFF để bắt đầu một cuộc cải tổ với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong các vấn đề đưa ra như là bất cập cần thay đổi, bầu Kiên kịch liệt phản đối việc VFF ký hợp đồng với thời gian kéo dài đến 20 năm. Ông cho rằng điều này ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến bóng đá Việt Nam và sau đó đơn vị truyền hình này đã rút lui. 
VPF ra đời với sự thành lập của các ông bầu và bài toán bán bản quyền truyền hình V.League được giải bằng "gói hỗ trợ" với tổng số tiền lên đến 50 tỉ đồng/mùa, với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, rốt cuộc bản quyền V.League vẫn chỉ tồn tại ở hình thức trao đổi.
Sau khi bầu Kiên dính vào vòng lao lý, VPF không có người cầm chịch để rồi không còn duy trì được tôn chỉ, mục đích ban đầu. Câu chuyện bản quyền truyền hình cũng không còn là một "miếng bánh" trị giá 50 tỉ đồng và nhiều hơn thế như định hướng ban đầu.
Đến mùa giải 2018, đơn vị được giao tổ chức các giải chuyên nghiệp là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF và Next Media vướng vào lùm xùm tranh chấp bản quyền truyền hình. Từ năm 2017, VPF ký hợp đồng giao bản quyền Next Media và khi phát hiện có những bất cập cũng như bất lợi, sau kỳ đại hội bầu Hội đồng quản trị mới VPF với bộ sậu lãnh đạo mới cho doanh nhân Trần Anh Tú cầm chịch yêu cầu xem xét lại, thanh lý hợp đồng. 
Hơn 1 năm tính từ thời điểm thực hiện hợp đồng với Next Media, VPF không nhận được bất cứ hồ sơ nào liên quan đến việc quyết toán doanh thu và chia lợi nhuận từ phía đối tác. Theo quan điểm của Chủ tịch Trần Anh Tú thì VPF muốn có hợp đồng tốt để V.League có thể khai thác thương mại, thu được tiền từ bản quyền truyền hình. 
Mặc dù cú hích giải U23 Châu Á 2018 mang đến nhiều hiệu ứng tích cực, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, bản quyền V.League vẫn chưa thể mang về giá trị lớn. Sau tất cả thì câu hỏi đặt ra đến bao giờ thì V.League mới có thể bán được bản quyền giải đấu một cách sòng phẳng, chứ không phải là những sự đổi chác thông qua quan hệ và trách nhiệm?
HOÀI ĐAN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm