Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Bão số 3 khiến 9 người chết, gần 190 người bị thương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến sáng 8/9, theo thống kê sơ bộ ban đầu, bão số 3 đã khiến 9 người chết, 187 người bị thương.

Cụ thể, tại Quảng Ninh có 3 người chết, 157 người bị thương, Hải Phòng có 1 người chết, 13 người bị thương, Hải Dương 1 người chết và 5 người bị thương. Hà Nội 10 người bị thương.

Ngoài ra, rạng sáng nay, do ảnh hưởng của bão, mưa lớn đã khiến sạt lở đất xảy ra tại Hoà Bình làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,..Hiện có 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Quảng Ninh tan hoang sau bão.

Quảng Ninh tan hoang sau bão.

Đặc biệt, bão số 3 gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình hơn 76.300 ha; Hải Phòng 6.750ha; Hải Dương 11.200ha; Bắc Ninh: 11.009ha; Hà Nội: 6.218ha; Nam Định: 2.800ha; Hưng Yên: 11.923 ha; Hà Nam: 7.418ha, Hà Nội: 6.218ha, Bắc Ninh: 8.977ha,...); 5.027ha cây ăn quả bị hư hại. Cùng đó, trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Hà Nội: Hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ

Theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 19h ngày 7/9, có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Nhiều nhà dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ tường bao, bị tốc mái....Tuyến đê bờ phải kênh chính Đan Hoài tại K8+705,bị sụt nghiêng đổ, nứt dọc vỉa hè với chiều dài 50m. Công tác đánh giá thiệt hại vẫn đang tiếp tục thực hiện khẩn trương, đặc biệt số cây xanh bị gãy đổ, và hoa màu thiệt hại.

TP Hải Phòng: Thiệt hại rất lớn

hiện nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây;

Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.

Ngoài ra, tàu Minh Anh 1 có 12 thuyền viên bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ: đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ neo đậu, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Thái Bình thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nhiều nhà cửa và các công trình kiến trúc khác: một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều.

Sơ bộ theo thống kê ban đầu có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố

Về lúa có 28.000 ha bị thiệt hại từ mức 30-70%; 27.000 ha bị thiệt hại 7trên 0%, chưa tính đến hoa màu. Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tại, dù đã sớm nắm bắt diễn biến của bão và chỉ đạo từ sớm, từ xa từ khi bão hình thành phía Đông của Philipinnes và các địa phương đã vào cuộc sớm, quyết liệt và chủ động trong thông tin cảnh báo đến người dân về diễn biến của bão, cũng như công tác chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên đây là cơn bão rất mạnh, đổ bộ với thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh nên thiệt hại vẫn còn rất lớn nhất là tài sản.

Một số chủ tầu và các thuyền viên chưa tuân thủ hướng dẫn, kêu gọi của chính quyền và cơ quan chức năng phải lên bờ khi bão đổ bộ, dẫn đến bị mất tích, không liên lạc được khi neo tầu bị đứt, trôi dạt.

Chính quyền khuyến cáo người dân không lưu thông trên đường khi bão đổ bộ nhưng vẫn có tình trạng người dân lưu thông dẫn đến thiệt hại đáng tiếc do cây đổ. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,.. dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.

Hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi đến 350mm.

Theo Dương Hưng (TPO)

Có thể bạn quan tâm