Thời sự - Bình luận

Bảo tồn không phải ép khuôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản nhằm phát huy bản sắc của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc bảo tồn các giá trị ngàn xưa cũng cần được làm rõ và hiểu rõ. Không phải cứ giữ nguyên hiện trạng cũ với rêu phong, vết nứt, điểm gãy đổ… thì mới là bảo tồn.

Dường như nhiều người đang mặc định truyền thống hay các giá trị di sản là một điều gì đó đã đóng khung, khóa cứng và không thể thay đổi hoặc tránh bị sử dụng cho những mục đích đương đại. Tuy nhiên, ngay trong các thời đại trước, khái niệm truyền thống cũng không hẳn bị tư duy là không thể thay đổi được. Ví dụ, những cư dân của thế hệ trước có cách tri nhận về thời gian khác với thế hệ chúng ta.

Để các yếu tố văn hóa có sức sống thì cần quan tâm đến các chủ thể thực hành và đối tượng thụ hưởng của các yếu tố này, và chỉ khi văn hóa truyền thống, giá trị di sản song hành với đời sống đương đại thì chúng mới thực sự được tiếp nối. Bảo tồn các giá trị di sản trăm năm hay ngàn năm không phải là giữ cho bằng được lớp áo đã úa màu thời gian.

Trước tiên, bảo tồn là phải giữ được di sản không bị mất theo thời gian, và điểm đến của việc bảo tồn là phải để di sản sống được cùng nhịp sống đương thời để mỗi người dân, mỗi thế hệ tự biết cách giữ lấy những giá trị đẹp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mà mình đang sống.

Để tránh những tranh luận gay gắt không đáng có như sự việc trùng tu chùa Cầu vừa qua, nhiều nơi có xu hướng bảo tồn di sản theo cách “cửa đóng then cài”. Điều này, một phần vì nhân sự trông coi và bảo quản hạn chế, đóng cửa thường xuyên cũng là giải pháp tránh trộm cắp, phá hoại. Một số điểm di tích, di sản vật thể, ngày nhộn nhịp nhất có lẽ là ngày nhận bằng xếp hạng, còn lại “đắp chăn” nằm yên tránh hư hỏng, xáo trộn để giữ nguyên vẻ màu cũ kỹ thời gian và có hoạt động cũng tổ chức theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”…

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di sản ngao ngán, bởi đây cũng là bảo tồn nhưng là “bảo tồn chết”, vì suy cho cùng di sản hình thành từ nếp sống, sinh hoạt người dân. Bảo tồn di sản phải đưa được các giá trị tốt đẹp ngàn xưa đi vào nhịp sống đương đại ngày nay.

Và nhắc đến bảo tồn giá trị di sản, nhiều người vẫn nhầm lẫn trong các khái niệm, hình thức, nghi lễ hay hiện vật phải thật cũ, mà quên mất cũ không phải là cổ. Bảo tồn là phải hiểu và giữ đúng giá trị mà di sản hình thành, để phát huy mặt tốt đẹp đi vào đời sống, chứ không phải bảo tồn là khoác tấm áo thật cũ hoặc chờ đủ 100 năm để thành cổ vật.

Một khía cạnh khác trong công tác bảo tồn di sản chính là việc có nhiều tác động chủ quan, khách quan, như thiên tai, chiến tranh dẫn đến một số đứt gãy về mặt văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, có những di sản tốt đẹp nhưng việc phục dựng trở về nguyên sơ gần như là không thể. Công tác bảo tồn di sản cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rõ hạn chế và sòng phẳng hai khái niệm: phỏng dựng và phục dựng để không mất niềm tin của cộng đồng.

Nhịp sống luôn vận động, giá trị tốt đẹp trăm năm hay ngàn năm cũng vận động theo tiến trình thời gian, bảo tồn không phải ép một di sản vật thể hay một nghi lễ vào cái khuôn để chờ cho đủ 100 hay 1.000 năm rồi xếp hạng di sản.

Theo THIÊN CHÂU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm