Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Thái ở miền Tây xứ Nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tâm thức người Thái ở miền Tây xứ Nghệ, cồng chiêng là báu vật, gia bảo, biểu tượng cho quyền lực linh thiêng.

Cồng chiêng hiện diện, gắn bó mật thiết với đồng bào Thái tại những sự kiện trọng đại như Tết Nguyên đán của dân tộc, lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, làm vía...

Phụ nữ người Thái bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) thực hành kỹ năng sử dụng chiêng. Ảnh: TTXVN phát

Phụ nữ người Thái bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) thực hành kỹ năng sử dụng chiêng. Ảnh: TTXVN phát

Cộng đồng dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ quan niệm, tiếng cồng chiêng là ngôn ngữ biểu đạt trạng thái, cảm xúc của tâm hồn, lòng người. Cao hơn, nó còn là sợi dây gắn bó, xây dựng tính cố kết cộng đồng, làng bản. Điều đáng mừng là những năm qua, trước ảnh hưởng, giao thoa của cuộc sống cộng cư, hiện đại, văn hóa cồng chiêng đứng trước nguy cơ mai một, đồng bào Thái ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng qua những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Nằm biệt lập giữa đại ngàn Pù Huống, bản Na Kho (xã Nga My, huyện Tương Dương) có gần 80 hộ, hơn 370 nhân khẩu là dân tộc Thái. Người Thái về Na Kho định cư, lập bản từ năm 1946. Hiện trong bản có 3 gia đình còn sở hữu, gìn giữ được 3 bộ cồng chiêng. Ông Van Văn Hoàn, già làng, người có uy tín của bản là một trong 3 người còn sở hữu được bộ chiêng cổ.

Già làng Van Văn Hoàn truyền dạy cho người dân bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) cách sử dụng chiêng. Ảnh: TTXVN phát

Già làng Van Văn Hoàn truyền dạy cho người dân bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) cách sử dụng chiêng. Ảnh: TTXVN phát

Ông Van Văn Hoàn cho biết, mỗi bộ chiêng có 4 chiếc, kích thước khác nhau và lớn dần. Mỗi chiếc có âm thanh và độ ngân vang khác nhau. Khi chuyển về Na Kho sinh sống (năm 1946), bố ông là thầy mo nên gia đình đã có một bộ chiêng. Tuy nhiên, đến năm 1972, do biến cố lịch sử, bản làng bị tàn phá bởi máy bay Mỹ ném bom xuống nên bộ chiêng đó bị hỏng. Bố ông là thầy mo, thường là chủ lễ thực hiện lễ thức tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Thái nên phải có bộ chiêng trong gia đình. Vì vậy, năm 1973, gia đình ông mua một bộ chiêng mới. Coi bộ chiêng là vật dụng có giá trị vật chất, tinh thần, gắn với thăng trầm của gia đình, dòng tộc nên ông Hoàn luôn cất giữ cẩn thận. Trong căn nhà sàn truyền thống, ông Hoàn để bộ chiêng ở vị trí trang trọng giữa nhà. Ông bảo quản, lau chùi để giữ cho bộ chiêng luôn sạch, có màu sắc như mới và giữ được âm thanh trong trẻo, có độ ngân vang.

“Mỗi khi sử dụng xong trong những dịp lễ quan trọng, trước lúc treo lên bảo quản, tôi phải lau chùi lại để giữ cho bộ chiêng được trong tiếng”, ông Van Văn Hoàn chia sẻ.

Ông Lữ Văn Uôn, Trưởng bản Na Kho, xã Nga My cho biết, theo người Thái, tên gọi lần lượt của 4 chiếc chiêng trong một bộ là mạc mệ (có kích thước lớn nhất, nặng nhất), rồi đến mạc cáng, mạc pá và mạc là. Mỗi chiếc chiêng khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh khác nhau. Bộ chiêng âm thanh chuẩn, hay, có độ ngân, độ trong thì phải đúc bằng đồng nguyên chất. Để sở hữu được bộ chiêng ưng ý phải tìm đến vùng miền nổi tiếng về kỹ thuật đúc chiêng. Người trực tiếp đi mua phải có độ thẩm âm, “hiểu” được âm thanh tiếng chiêng và sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này.

Già làng Van Văn Hoàn gìn giữ bộ chiêng có tuổi đời từ 50 năm tuổi. Ảnh: TTXVN phát

Già làng Van Văn Hoàn gìn giữ bộ chiêng có tuổi đời từ 50 năm tuổi. Ảnh: TTXVN phát

Điều may mắn trong nhiều năm qua, thế hệ cha ông biết sử dụng chiêng tại bản Na Kho đứng ra mở các lớp truyền dạy cho thế hệ con em trong bản hiểu về cội nguồn, giá trị văn hóa, tinh thần và biết sử dụng thành thạo cồng chiêng. Những lớp truyền dạy này được nhiều người dân trong bản tham gia tích cực. Kết thúc các lớp truyền dạy, mọi thành viên tham gia đều sử dụng thành thạo loại nhạc cụ độc đáo này.

Ông Lữ Văn Uôn, Trưởng bản Na Kho, xã Nga My cho biết, dân tộc Thái ở bản Na Kho luôn coi cồng chiêng là một tài sản quý của bản, niềm tự hào của dòng tộc. Nhận thức được điều đó nên các gia đình có bộ chiêng luôn gìn giữ tốt bộ chiêng trong những năm qua. Đặc biệt, tại bản Na Kho, thế hệ cha ông thường xuyên hướng dẫn cho lớp trẻ biết sử dụng cồng chiêng. Tham gia các lớp truyền dạy, nhiều người trẻ trong bản biết sử dụng thành thạo loại nhạc cụ độc đáo này.

Chị Chương Thị Tuyết, bản Na Kho, xã Nga My chia sẻ, trước đây, chị và các thế hệ trẻ trong bản không biết đánh cồng chiêng. Nhờ sự tận tâm truyền dạy của thế hệ cha ông trong bản nên chị và nhiều người khác biết sử dụng cồng chiêng của dân tộc mình. Chị rất vui và tự hào.

Cộng đồng dân tộc Thái ở bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) thực hiện các điệu múa cổ trong âm vang cồng, chiêng. Ảnh: TTXVN phát

Cộng đồng dân tộc Thái ở bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) thực hiện các điệu múa cổ trong âm vang cồng, chiêng. Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê của ngành văn hóa huyện Tương Dương, toàn huyện có gần 100 bộ cồng chiêng, trong đó, gần 40 bộ cồng chiêng cổ, hơn 50 năm tuổi trở lên. Các bộ chiêng quý này đang được các già làng, trưởng bản, người có uy tín người Thái bảo quản, lưu giữ. Những bản làng gìn giữ cồng chiêng tốt như, bản Na Ngân, bản Na Kho, bản Pột, xã Nga My; bản Chắn, bản Phòng, xã Thạch Giám; bản Cành Khỉn, bản Cọc, xã Yên Hòa… Tại các bản này có từ 3 - 4 bộ chiêng quý, được bảo lưu, trao truyền từ nhiều thế hệ dòng tộc để lại. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng tuyên truyền để người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cồng chiêng.

Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, văn hóa cồng chiêng là nét văn hóa có từ xa xưa, rất đặc sắc, độc đáo và mang tính nhận diện văn hóa tiêu biểu của đồng bào Thái. Người Thái coi văn hóa cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều năm qua, để gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng, cấp ủy, chính quyền xã Nga My luôn quan tâm, động viên, khuyến khích cộng đồng dân bản phải gìn giữ, bảo quản tốt bộ chiêng bằng cách treo trang trọng tại nhà văn hóa cộng đồng hoặc gia đình người uy tín của bản khi tới dịp lễ lớn của đất nước, địa phương, của bản, bà con có thể đưa ra sử dụng. Trong âm thanh rộn rã, sôi động của tiếng cồng chiêng, mọi người cùng nhau giao lưu múa hát, nhảy sạp, khắc luống khiến không khí thêm vui tươi, phấn khởi, bà con càng gần gũi nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết.

Có thể bạn quan tâm