Trước đây voi nhà ở Đắk Lắk phải oằn lưng phục vụ khách du lịch vui chơi, giải trí. Ảnh: Tiến Thoại |
Đưa voi nhà trở về rừng
Nhiều năm qua, ông Y Lư Êban, trú tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đã chăm sóc cho con voi có tên gọi là H’Pló (50 tuổi).
"Voi ăn rất nhiều, mỗi ngày chúng dành tới 90% thời gian để ăn. Như con voi của tôi đây có trọng lượng khoảng 5 tấn, mỗi ngày nó phải ăn khoảng 5 tạ thức ăn” - ông Y Lư nói.
Theo ông Y Lư Êban, ông đã tham gia mô hình du lịch thân thiện cùng voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) được 3 năm nay.
Trước đó, ông Y Lư cũng có gần chục năm đưa voi H’Pló
tham gia cõng khách trong các khu du lịch, từng chứng kiến cảnh những con voi bị vắt kiệt sức, “nổi nóng” hất đổ du khách xuống đất.
“Thế nên, năm 2018, khi được Tổ chức Động vật châu Á liên hệ, thuyết phục đưa voi vào rừng làm du lịch thân thiện, tôi đồng ý liền” - ông Y Lư trao đổi.
Tương tự, cuối tháng 3.2023, sau khi tổ chức xong lễ cúng sức khỏe cho voi, ông Y Khư Êban, trú tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cũng ký hợp đồng với Tổ chức Động vật châu Á đưa voi Ta Nôn (33 tuổi) vào lâm phần của Vườn quốc gia Yok Đôn để tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi.
Ông Y Khư từ chối tiết lộ giá trị của hợp đồng, nhưng ông cho hay, hàng ngày vẫn được chăm sóc voi, được trả thù lao tương xứng để trang trải cuộc sống.
“Căn bản nhất là voi của tôi được tự do ở trong rừng. Voi không phải oằn lưng cõng khách du lịch mà tôi vẫn có thu nhập” - ông Y Khư vui mừng.
Dần hình thành quần thể voi nhà ở trong rừng
Theo Vườn quốc gia Yok Đôn, đến nay, đơn vị đã phối hợp với Tổ chức động vật châu Á thực hiện dự án: “Chuyển đổi mô hình du lịch có sử dụng voi nhà tại Vườn quốc gia Yok Đôn" được 5 năm (giai đoạn 2018 - 2023).
Qua đánh giá, những con voi nhà khi được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn thì đã chấm dứt được việc người dân dùng voi nhà để khách du lịch cưỡi hoặc làm trò mua vui... Do đó, voi không bị ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần.
Đặc biệt, khi voi nhà được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn thì chúng được tự do di chuyển, hoạt động theo bản năng tự nhiên. Voi khi vào đây thì không bị xích chân theo kiểu truyền thống của người dân địa phương nên không bị cản trở nghỉ ngơi, đi lại, tìm kiếm thức ăn ưa thích...
"Khi điều kiện sống được cải thiện rất nhiều, tinh thần của voi đã trở nên thoải mái, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tuổi thọ của voi chắc chắn cũng sẽ được gia tăng" - ông Phạm Tuấn Linh - Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - lạc quan cho biết.
Thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi - cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, hiện toàn tỉnh còn 36 cá thể voi nhà tập trung chủ yếu tại hai huyện Lắk và Buôn Đôn.
Theo ông Trần Đức Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 2.000 lượt khách đăng ký tham gia du lịch thân thiện với voi tại trung tâm. Có nhiều du khách bỏ ra cả nhiều ngày trời chỉ để đi theo voi, nhìn voi tìm thức ăn, tắm và sinh hoạt trong rừng.
Mô hình du lịch thân thiện với voi ra đời phù hợp nên ngày càng thu hút được nhiều người dân và các hộ gia đình có voi tham gia vào dự án. Đến nay, dự án du lịch voi thân thiện đã tăng lên thành 9 cá thể.
"Đây là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi tiếp tục phấn đấu. Theo kế hoạch, đến năm 2026, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Tổ chức Động vật châu Á đưa về rừng 15 cá thể voi” - ông Phương hào hứng cho biết.