(GLO)- Ngày 25-3, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Nguy cơ cạn kiệt
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu rõ: Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn với hơn 1,5 triệu ha; trong đó, đất lâm nghiệp trên 740.000 ha (80% là đất có rừng), phân bố đều ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Theo kết quả Đề tài “Đánh giá tài nguyên, đặc điểm phân bố, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững cây dược liệu bản địa ở tỉnh Gia Lai”, tỉnh ta có 573 loài cây dược liệu. Trong số này có 21 loài thực vật quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế cao như: sa nhân, ba kích, bách bộ, hoàng đằng, cam thảo dây, địa liền, lan kim tuyến, hà thủ ô, ngũ gia bì, kim tiền thảo…
Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Trang (bìa trái) cùng đoàn cán bộ tỉnh thăm một hợp tác xã trồng cây dược liệu ở huyện Kbang. Ảnh: Đăng Vũ |
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cây dược liệu tập trung chủ yếu ở một số huyện, thị xã như: Kbang, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Ia Pa, An Khê… Trong đó, huyện Kbang có nguồn cây dược liệu phong phú và đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang-cho biết: “Huyện Kbang hiện có 2 nguồn dược liệu: nguồn dược liệu có sẵn trong tự nhiên mà nhân dân đang khai thác chủ yếu dưới tán rừng như: mật nhân, sa nhân tím, sâm đá, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến, sâm cau, các loại nấm, hồng đẳng…; nguồn dược liệu trồng có: sâm đương quy, sa nhân tím, hồng đẳng… Trồng cây dược liệu được huyện xem xét là một hướng đi trong phát triển kinh tế của địa phương”.
Huyện Chư Sê cũng là địa phương có nhiều bước đi mới trong phát triển cây dược liệu. Ông Nguyễn Hồng Hà-Bí thư Huyện ủy-thông tin: “Ở huyện Chư Sê hiện có 2 doanh nghiệp trồng khoảng 30 ha cây dược liệu với các loại như: thầu dầu, đương quy, xuyên khung, giảo cổ lam… Các loại cây này được trồng theo hướng công nghệ cao và năng suất khá cao, giá trị thu nhập thấp nhất trên 1 ha là 30 triệu đồng, cao nhất là 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Mặc dù thời gian gần đây, cây dược liệu đã được các cấp lãnh đạo, các địa phương và nhân dân quan tâm bảo tồn, nhân giống trồng song việc khai thác tự phát, không có kiểm soát trong tự nhiên vẫn khiến nguồn dược liệu, đặc biệt là các loài gen quý đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Việc phát triển cây dược liệu hiện nay chưa có cơ chế, chương trình cụ thể về cung cấp giống, quy trình sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, việc khai thác còn theo kiểu tận diệt, không bền vững. Cơ chế cho thuê đất rừng để trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh-quan ngại: “Người Trung Quốc khi mua mật nhân không thu mua vỏ thân mà chỉ thu mua vỏ rễ. Trong khi cây mật nhân trồng 30 năm mới thu hoạch thì thu mua vỏ rễ như vậy sẽ khiến dược liệu bị cạn kiệt. Chúng ta phải có kế hoạch cấp thiết để bảo vệ loài cây này; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ để người dân trồng cây mật nhân bởi thời gian trồng quá lâu. Hay như cây trọng lâu (hươu túc nhiều lá) là một dược liệu rất có giá trị nhưng chúng ta cũng đang khai thác cạn kiệt”.
Cấp thiết bảo tồn và phát triển
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành công tác điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu trong tự nhiên; phát triển khoảng 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ; hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu. Đến năm 2030, tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu nâng lên khoảng 4.200 ha đến 4.500 ha; hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn; đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loài như: hà thủ ô đỏ, sa nhân tím, đương quy, nghệ vàng, đẳng sâm và các loài khác có thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: P.L |
Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là cần thiết, giúp huy động được mọi nguồn lực để tập trung đầu tư bảo tồn và phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường. Bí thư huyện ủy Chư Sê nêu ý kiến: “Chúng ta cần xác định trồng dược liệu là cây trồng nông nghiệp có giá trị cao, tương đối an toàn. Nếu Nghị quyết đi đúng hướng thì nhân dân sẽ chuyển đổi mạnh sang trồng cây dược liệu. Theo tôi, Nghị quyết cần đi theo 2 hướng mục tiêu: thứ nhất là bảo tồn, phát triển ở những vùng có nguồn gen của các loài có giá trị kinh tế; thứ hai là sản xuất theo hướng hàng hóa”.
Nhìn từ góc độ chuyên môn, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho hay: “Khi đề xuất phát triển các loài dược liệu trong Nghị quyết, chúng ta cần chú ý rằng có nhiều dược liệu không có giá trị kinh tế cao nhưng có giá trị trong hỗ trợ điều trị bệnh. Ví dụ, ngũ vị tử là một trong những vị thuốc chủ lực, một mình nó có thể điều trị hạ men gan. Loại dược liệu này được khai thác tự nhiên một cách ồ ạt ở vùng giáp ranh giữa Kon Tum và Gia Lai, giá 30.000 đồng/kg. Khi động viên người dân trồng thì họ không muốn bởi hạt như hạt tiêu, khối lượng nhỏ, thu hoạch rất tốn công trong khi giá bán thấp. Nhưng nếu không bảo vệ được nguồn gen, diện tích nuôi trồng của loài cây này thì khi chúng ta sản xuất thuốc hạ men gan ở Gia Lai sẽ thiếu nguyên liệu và vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập. Cho nên cũng cần quan tâm hơn nữa vào nguyên liệu chính làm thuốc nhưng giá trị kinh tế không cao”.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Thường trực Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, sau đó sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành để xin ý kiến cuối cùng trước khi ban hành. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ, Hội Đông y tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến trước khi Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh được ban hành. “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Gia Lai là kinh tế, là xóa đói giảm nghèo, là sức khỏe và môi trường của con người, là xây dựng nông thôn mới. Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân, cho doanh nghiệp”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
* Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê: “Để làm cơ sở cho Nghị quyết, chúng ta cần một số dữ liệu cơ sở và dữ liệu nền. Cần có đánh giá đầy đủ về thực trạng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó có số liệu cụ thể về diện tích, sản lượng, trữ lượng, năng suất. Chúng ta cũng cần xác định cây bản địa của chúng ta là gì, cây nào có giá trị, cây nào nguồn gen đang bị nguy cấp cần bảo tồn, cây nào có thể phát triển kinh tế. Gắn với cây dược liệu, chúng ta cần có các bài thuốc cổ truyền của địa phương. Để Nghị quyết khả thi, chúng ta phải đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, khả năng, thách thức khi triển khai việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh”. * Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng: “Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu đối với các khu rừng đặc dụng, khu vùng đệm, tôi nghĩ cần có một số hướng dẫn cụ thể hơn của các cấp lãnh đạo; phải có quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, có hướng dẫn về cho thuê môi trường rừng để phát triển cây dược liệu. Để giúp người dân ở khu vực rừng đệm chủ động phát triển cây dược liệu, hạn chế vào các khu rừng đặc dụng để khai thác thì cũng phải có những hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, tạo điều kiện xây dựng các nhà máy liên kết với các nơi tiêu thụ sản phẩm”. * Ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn Khoa học Quốc tế Trường Sinh: “Khi phát triển cây dược liệu, chúng ta cần khoanh vùng phát triển những dòng dược liệu phát triển gắn với từng nhóm bệnh. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các công ty, nhà máy chế biến trong khâu đặt hàng, góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu tốt hơn”. |
PHƯƠNG LINH