Xã hội

Đời sống

Bảo vệ trẻ trước nạn bạo hành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều vụ bạo hành trẻ em trong thời gian qua khiến dư luận vô cùng đau xót và phẫn nộ. Truy tìm nguyên nhân và làm gì để ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ là những câu hỏi trực diện cùng với biết bao ưu tư, day dứt.
Cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em. Ảnh cand

Cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em. Ảnh cand

Hơn 2 tháng đã trôi qua, song dư luận vẫn chưa thôi phẫn nộ trước sự việc 2 bảo mẫu ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong. Không chỉ một lần mà trong nhiều ngày liên tiếp, 2 bảo mẫu A. và L. đã dùng nhiều cách khác nhau để bạo hành cháu bé. Người thì ném cháu bé xuống nền nhà, kẻ lại tát vào mặt, dùng chân đạp vào bụng, vào ngực, giẫm vào đầu, vào tai... Câu hỏi đặt ra là liệu bao nhiêu cháu bé tiếp tục bị hành hạ, trở thành nạn nhân như trường hợp trên? Công an đã vào cuộc, 2 bảo mẫu bị bắt giam để điều tra về hành vi giết người và chắc chắn họ sẽ phải trả giá cho sự tàn nhẫn, vô nhân tính bằng những bản án thích đáng.

Điều dư luận quan tâm là chế tài xử lý các hành vi phạm tội đã đủ sức răn đe và làm gì để vụ việc tương tự không xảy ra. Lùi về thời gian trước đó, vụ án 3 bảo mẫu ở một cơ sở mầm non tại TP. Hồ Chí Minh bị truy tố về tội “Hành hạ người khác” và nạn nhân là 24 cháu bé 3-5 tuổi. Cuối năm 2022, một giáo viên kiêm người đồng sáng lập một cơ sở mầm non tư thục ở TP. Đà Nẵng cũng bị lực lượng chức năng phạt vi phạm hành chính với số tiền 20 triệu đồng vì có hành vi bạo hành, bỏ đói học sinh... Hình phạt thích đáng dành cho những kẻ phạm tội là điều không bàn cãi, chỉ có điều, nỗi đau của gia đình, người thân khi mất đi con trẻ sẽ không thể nguôi ngoai; những nạn nhân của bạo hành sẽ ra sao khi cả thể chất, tinh thần và trí tuệ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

2. Chị bạn tôi kể câu chuyện cách đây không lâu mà nạn nhân không ai khác chính là cậu con trai của mình. Qua tìm hiểu từ bạn bè, đồng nghiệp, chị gửi con trai 15 tháng tuổi tại một nhóm trẻ tư thục đã có nhiều năm hoạt động. Cơ sở có 2 bảo mẫu, nhận chăm sóc hơn 10 cháu nhỏ từ 8 tháng tuổi trở lên. Thời gian đầu, thỉnh thoảng chị đón con và thấy trên mặt, trên người có vết trầy xước, vết cào, cắn nhưng đều bỏ qua vì tin lời giải thích của bảo mẫu là do các cháu giành nhau đồ chơi. Nhưng đến tháng thứ 3, chị bàng hoàng khi đón con từ tay bảo mẫu với hơn 10 vết cắn còn hằn sâu dấu răng sau lưng cùng sự run rẩy, sợ hãi của con. Phải đến khi chị đề nghị mời Công an can thiệp, bảo mẫu tại cơ sở mới cho biết, các cháu giành đồ chơi và sự việc xảy ra, khi đó là giờ ngủ trưa, các cô đóng cửa ra ngoài do có việc riêng. Sự tắc trách và thiếu chuyên nghiệp của bảo mẫu khiến con trai chị bạn tôi trở nên rụt rè, sợ hãi với những người xung quanh, còn vết cắn sau nhiều ngày vẫn chưa mờ sẹo. Không thể tiếp tục gửi con, vợ chồng chị phải thay nhau nghỉ phép để giải tỏa tâm lý cho con và nhờ ông bà nội ngoại ngoài quê vào hỗ trợ.

Bạo hành trẻ nhỏ đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Liệu rằng những biện pháp xử lý vừa qua đã đủ răn đe, ngăn chặn? Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở mầm non và các nhóm trẻ; xử lý kiên quyết, dứt điểm với những cơ sở vi phạm, không được cấp phép, bảo mẫu không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Mỗi phụ huynh cũng nên tìm hiểu, lựa chọn cơ sở uy tín để tránh trường hợp đặt niềm tin sai chỗ; đồng thời dành thời gian quan tâm, trò chuyện cùng con trẻ, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, tránh những việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Có thể bạn quan tâm