Cử tri nhiều địa phương như An Giang, Đồng Nai, TP.HCM… liên tục gửi tới Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm (BH) đối với xe máy theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc. Lý do chủ yếu bởi, khi có sự kiện BH phát sinh, người dân gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục BH.
Hồi đáp kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính viện dẫn nhiều khía cạnh để bảo vệ quan điểm cần duy trì BH xe máy bắt buộc. Bộ này khẳng định sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (nếu có); đồng thời sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách trong trường hợp cần thiết…
BH xe máy bắt buộc vốn là vấn đề gây tranh cãi nhiều năm. Cuối 2022, khi góp ý về dự thảo Nghị định quy định về BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; BH cháy, nổ bắt buộc; BH bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) nhấn mạnh, việc thực hiện các loại BH bắt buộc đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích xã hội, nhưng với BH trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét việc mua BH xe máy sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận.
Từ góc độ các con số, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự là 736,9 tỉ đồng; ước tính chi phí bồi thường chỉ 28,5 tỉ đồng. Tỷ lệ bồi thường là 4%. Không ít chuyên gia tài chính phải thốt lên, tỷ lệ bồi thường này "quá thấp", gần như chính sách không phát huy tác dụng.
Thời điểm cuối 2022, VCCI cũng phân tích, sau nhiều năm thực hiện, tỷ lệ chi trả BH bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp. Ví dụ năm 2019, tổng doanh thu phí BH xe máy là 765 tỉ đồng, số tiền chi trả bồi thường chỉ 45 tỉ đồng. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại BH bắt buộc khác.
Thực tế cho thấy, với số tiền chi trả thấp, rất khó có thể thuyết phục lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường BH trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra. Về tổng thể lợi ích cho xã hội, BH bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Các quy định, chính sách xét đến cùng đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, góp phần giúp xã hội vận hành tốt hơn. Khi chính sách không còn phát huy tác dụng như mong muốn, cơ quan quản lý cần nghiêm túc xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. Với BH xe máy bắt buộc, đã tới lúc phải có những động thái xử lý mạnh tay hơn, giảm phiền hà cho người dân, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, thay vì "biết rồi, khổ lắm nói mãi" mà bất cập đâu vẫn hoàn đó. Nếu chưa thể xóa bỏ BH xe máy bắt buộc, việc cần làm ngay là đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, đảm bảo việc bồi thường BH diễn ra nhanh chóng...
Theo Đan Thanh (TNO)