Kinh tế

Tài chính

'Bắt mạch' lợi nhuận ngân hàng năm 2022 : Khó duy trì tăng trưởng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại và room tín dụng không còn nhiều nên khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không còn chắc chắn như trước.

Giao dịch tại BAC A BANK. (Ảnh: Vietnam+)
Giao dịch tại BAC A BANK. (Ảnh: Vietnam+)


Một số ngân hàng đã chính thức công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của các công ty chứng khoán, mục tiêu lợi nhuận năm 2022 của nhiều ngân hàng đang gặp thách thức, bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế trong khi biên lợi nhuận dự kiến giảm.

Một số ngân hàng bứt phá

Tính đến thời điểm này, LienVietPostBank là nhân tố tạo nên bất ngờ khi ngân hàng có sự bứt phá mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh. Kết thúc quý 3, LienVietPostBank đã cán đích lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022, thậm chí nhỉnh hơn chút khi đạt hơn 4.800 tỷ đồng.

Tiếp đến, SHB cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ lợi nhuận cao, tăng tới 79% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 9.035 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng sau 9 tháng đạt hơn 528.000 tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của SeABank đạt hơn 4.016 tỷ đồng, tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% hồi cuối năm 2021 xuống còn 1,59%.

Tổng thu thuần (TOI) của ngân hàng này cũng đạt gần 7.282 tỷ đồng, tăng tới 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng gần 70% so với cùng kỳ, đạt 2.205 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,28% trên tổng thu thuần của ngân hàng. Công bố của SeABank cũng cho thấy tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ mức 35,35% hồi 9 tháng năm 2021 xuống còn 33,09% nhờ tối ưu hóa chi phí trong vận hành thông qua công nghệ.

TPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ (+35%) và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ông Dương Công Minh-Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết kết thúc 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%. Tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu là 0,86%. Riêng quý 3, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Theo các ngân hàng, kết quả này phản ánh sự chủ động, linh hoạt của ngân hàng trong hoạt động kinh doanh mảng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa nguồn thu.

Liệu có về đích lợi nhuận?

Dù một số ngân hàng công bố có tăng trưởng ấn tượng nhưng nhìn tổng thể ngành ngân hàng trong năm nay, một số chuyên gia nhận định mục tiêu lợi nhuận đang gặp thách thức, bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế, trong khi biên lợi nhuận dự kiến giảm.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 và 2021.

Giải thích rõ hơn, Agriseco cho hay tăng trưởng tín dụng tính đến 28/9 đạt 10,89%. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước phải cân đối giữa ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và lạm phát, do đó tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ hướng đến mục tiêu 14%. Điều này đồng nghĩa room tín dụng những tháng cuối năm chỉ còn khoảng 3%.

Agriseco cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá neo cao, thanh khoản căng, lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng vượt mức 9% và lãi suất các kỳ hạn cũng được các tổ chức tín dụng đẩy lên cao từ 7%-8,5%.

Trong khi đó, định hướng điều hành của Ngân hàng Nhàn nước hiện nay là tăng lãi suất huy động nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

"NIM sẽ có sự phân hóa, trong đó NIM có thể ổn định tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và có khả năng huy động vốn từ thị trường quốc tế," báo cáo của Agriseco nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo không ít ngân hàng, với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm ở mức thấp, ngân hàng sẽ chọn lọc khách hàng kỹ hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của cơ quan quản lý, dù lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên thường thấp hơn các lĩnh vực khác.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết dư nợ tín dụng thường tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm quý 4 và ngân hàng luôn trông chờ vào quý này để kết thúc một năm kinh doanh với kết quả khả quan, nhưng tình hình năm nay có thể không như kỳ vọng, do room tín dụng eo hẹp. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động tăng dần khiến NIM chịu áp lực giảm. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, NIM của các ngân hàng được cải thiện là nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) cao.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại và room tín dụng không còn nhiều nên khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không còn chắc chắn như trước.

Bên cạnh đó, nợ xấu của ngân hàng có dấu hiệu gia tăng do các khoản nợ tái cơ cấu đã hết thời gian ân hạn, đòi hỏi ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, nhất là quý cuối năm. Ngoài ra, lãi suất huy động dự kiến vẫn sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng để giữ chân người gửi tiền.

Mặt khác, khi lãi suất huy động tăng, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng đối mặt với nguy cơ suy giảm.

Theo TTXVN

 

Có thể bạn quan tâm