Đến Vigan (Philippines) mà tôi cứ ngỡ mình lạc trôi đến thành phố nào của phương Tây hay Nam Mỹ từ hàng trăm năm trước với những dãy nhà cổ, những cỗ xe ngựa kêu leng keng trên con đường lát đá trong một nhịp sống chậm rãi.
Đường phố Vigan chủ yếu là xe ngựa và xe ba bánh với thùng xe bên hông đủ màu sắc |
Chạm mặt phố cổ
Trước khi đến Vigan, tôi chỉ biết đây là một thành phố do người Tây Ban Nha xây dựng trên đất Philippines từ thế kỷ 16, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1999. Tôi vốn không có thói quen đọc nhiều bài viết về nơi mình sẽ đến. Với một số người, đó là cách đi không khoa học và nhiều mạo hiểm, vất vả. Nhưng tôi lại muốn mình như một tờ giấy trắng, không bị ảnh hưởng, định kiến bởi bất cứ nhận định nào trước đó.
Từ thủ đô Manila đến được Vigan mất hơn 11 tiếng ngồi xe. Khởi hành lúc 13h30, nên hơn 24h tôi mới đến nơi.
Trái với suy nghĩ đã khuya như vậy, phố cổ sẽ không một bóng người, Vigan trong bóng đêm vẫn đầy những góc phố sáng đèn. Vài tiệm tạp hóa còn mở cửa. Vài nhóm bạn trẻ tụm lại chuyện trò. Một chiếc xe với thùng gắn bên hông cho khách ngồi trờ tới, chở tôi về khách sạn.
Uống tách trà thơm phức giữa khuya, cảm giác mệt nhọc của hai ngày lê lết vạ vật tan biến nhanh chóng, sự thảnh thơi và niềm vui thích lan tỏa.
Những cỗ xe ngựa và hình bóng thời gian
Tôi choàng tỉnh bởi những tiếng lộc cộc gõ trên con đường lát đá ngay trước khách sạn. Những cỗ xe ngựa rất nhiều ở Vigan. Không biết đã bao lâu rồi tôi mới lại được nghe những âm thanh tưởng chỉ là quá khứ ấy.
Sống ở thị thành bao năm, đánh thức tôi dậy là âm thanh của tivi, của đồng hồ báo thức hay những tiếng còi xe. Tôi cứ luôn ao ước và lần nào lòng cũng ngập tràn niềm vui thích những khi mình được thức dậy trong tiếng líu ríu chim hót, vịt gà gọi nhau.
Và lần này, ở Vigan, là thanh âm của những cỗ xe ngựa. Xe ngựa cùng với những chiếc xe đủ màu sắc gắn thùng xe một bên chạy trên những con đường lát đá cuội, ngang qua những dãy phố cổ với các dinh thự to lớn đã nhuốm màu rêu phong. Vigan hiện lên không khác gì một thành phố châu Âu cổ kính.
Chị chủ khách sạn tôi ở cho hay những căn nhà ở Vigan trước đây vốn có màu sắc sặc sỡ như ở xứ Mexico vậy. Tuy nhiên, đến đời một vị tổng thống nọ, các tòa nhà cổ kính ở đây được chuyển sang màu trắng chủ đạo như hiện nay. Chị bảo mọi việc sửa chữa, tôn tạo nhà cổ ở Vigan phải xin phép cơ quan bảo tồn để không phá vỡ cảnh quan chung. Thậm chí logo của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7Eleven vốn có những sọc ngang nhiều màu sắc, nhưng khi hiện diện ở Vigan cũng phải đổi thành hai màu trắng-đen, chỉ có biển hiệu bên dưới là được giữ đúng logo của thương hiệu đình đám này.
Khách sạn tôi ở cũng là một trong những dinh thự cổ. Đó là hai tòa nhà nối nhau bằng cầu thang bộ, lát sàn gỗ, trần nhà và mọi vật dụng trong nhà đều bằng gỗ và có từ thời xa xưa. Trong nhà có phòng ăn với bộ bàn ghế hình chữ nhật dài. Trên bàn ăn là cái chuông đồng. Khi nào cần, chủ nhà lại lắc chuông và cô đầu bếp xuất hiện.
Những hình ảnh này như trong nhiều bộ phim như Đơn giản tôi là Maria về Nam Mỹ một thời thơ ấu tôi vẫn thường xem. Mà cũng phải, vì Mexico, Brazil… và Vigan của Philippines đều chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Ban Nha khi từng là thuộc địa của nước này.
Đường sá ở Vigan khá tinh tươm và sạch sẽ. Tất cả cỗ xe ngựa đều gắn một túi đựng chất thải bên dưới để không bị rơi vãi ra đường. Tất cả ngựa phải được kiểm tra sức khỏe. Phí đi xe ngựa được dán lên từng xe nên không có cảnh khách phải mặc cả, kỳ kèo. So với dịch vụ đi xe ngựa ở một số nơi, xe ngựa tại Vigan rất rẻ, chỉ 150 peso cho một giờ (khoảng 70.000 đồng).
Món bánh Empanada và Okoy (trái) chấm với giấm ớt là đặc sản ở Vigan |
"Lạc hậu" và sống chậm ở Vigan
So với Hội An ở Việt Nam, Phượng Hoàng cổ trấn hay phố cổ Cẩm Lý tại Trung Quốc hay Malacca của Malaysia…, nhịp sống và tốc độ phát triển hay du lịch của Vigan chậm hơn rất nhiều.
Ở Vigan không thấy những cửa hàng tấp nập kẻ bán người mua, hàng hóa đa dạng, dịch vụ phong phú, quán ăn, cà phê chen chúc. Vigan còn rất vắng lặng và "lạc hậu" với vài ba cửa hàng bán hàng lưu niệm hay kẹo bánh, mà các sản phẩm cũng rất đỗi "nhà quê". Thỉnh thoảng mới xuất hiện bóng dáng một nhà hàng hay trung tâm thương mại ẩn mình trong những tòa nhà cổ.
Nơi góc phố, anh chàng bán kem ốc quế ba màu - loại kem mà ở Việt Nam có lẽ chỉ còn dân nhà quê mới thích. Vigan không có hàng rong, không chèo kéo khách. Ở tiệm bánh mì, người mua xếp hàng kiên nhẫn chờ nhận bánh sau ô cửa sắt, không một tiếng ồn ào hay xô đẩy.
Người bán điềm đạm nướng bánh, xếp túi giấy đặt bánh vào rồi chuyển cho người mua. Cắn chiếc bánh mì nhỏ xíu nóng hổi mới thấy bánh ở đây thật ngon, vị ngon mộc mạc của những món ăn thời thơ ấu mà khi lớn khôn người ta cứ mãi nhớ về.
Có lẽ nhờ "lạc hậu" như vậy mà không khí cổ kính của Vigan sống động, chân thật và tự nhiên, không cần nhờ tay người dàn dựng như một số phố cổ khác. Người ta không cần hình dung ngày xưa ở đây ra sao vì dường như mọi thứ của ngày xưa vẫn đang hiển hiện. Mặc thời gian trôi, Vigan cứ chậm rãi và từ tốn. Ở đâu cũng thấy người dân mỉm cười thân thiện. Như thể Vigan vẫn thanh thản và điềm tĩnh mà sống để hiểu rõ mình và là chính mình.
Buổi sáng ấy tại Vigan, tôi ngồi ở chiếc bàn nhỏ trên sân thượng khách sạn cổ xưa gần 200 năm tuổi. Với tách trà nóng hổi thơm lừng, tôi đọc sách và thỉnh thoảng dừng lại lắng nghe âm thanh lộc cộc quen thuộc của những cỗ xe ngựa vang trên đường. Tôi cũng bắt đầu sống chậm như Vigan rồi.
Anh bán kem ba màu ở góc phố Vigan |
Thành phố Vigan thuộc đảo Luzon, Philippines. Từ thủ đô Manila có thể đặt taxi đến hãng xe Viron tại Cubao (cách đó hơn một tiếng ôtô) để đến Vigan. Vé xe 560 peso (khoảng 300.000 đồng), hành trình hơn 10 tiếng. Khách sạn ở Vigan trung bình 15-40 USD/đêm. Đi lại ở Vigan chủ yếu là xe ngựa hoặc xe ba bánh (tricycle) với thùng xe gắn bên hông, chi phí rất rẻ (100-150 peso/giờ). |
Tú Nguyên (TTO)