Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có nguồn củ giống ngoại nhập nên nhiều hộ trồng hoa ly ở TP.Buôn Ma Thuột sử dụng củ ly tái sinh để trồng và kết quả thu hàng trăm triệu đồng dịp tết.
Đông lạnh củ giống
Những ngày cuối năm Tân Sửu, vườn hoa ly của anh Đặng Anh Trung (ở TDP15, P.Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), tấp nập thương lái ra vào để đặt hàng. Bận bịu đánh cây vào chậu để chở đi giao cho khách nhưng anh Trung vẫn vui vẻ kể câu chuyện trồng hoa mang lại thành công không ngờ.
Vườn hoa ly trồng của hộ anh Đặng Anh Trung chuẩn bị bán tết. Ảnh: Hoàng Bình |
Theo anh Trung, chuẩn bị cho mùa hoa Tết Nhâm Dần, nhà anh trồng hơn 35.000 củ ly. Tuy nhiên, đây là vụ mùa hết sức đặc biệt vì toàn bộ giống mà anh sử dụng đều là củ ly tái sinh của vụ mùa trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh không thể nhập củ giống hoa ly từ nước ngoài về để trồng. Nghĩ hết cách không thể nào có nguồn giống, anh Trung đành đánh liều đào những củ ly giống của mùa trước còn sót lại dưới đất đem vào kho lạnh để bảo quản và bắt đầu thử nghiệm một quy trình trồng hoa mới theo cách riêng của mình.
“Khi chuẩn bị trồng, tôi tăng nhiệt độ kho lạnh lên để củ nảy mầm rồi mới đem ra đất. Do để củ ly suốt một năm trong tủ lạnh nên khi xuống giống thì vừa làm vừa lo”, anh Trung chia sẻ. Dù lo lắng lúc trồng nhưng hiện anh Trung đã thu về kết quả ngoài mong đợi khi vườn hoa ly cho bông to, đẹp không thua kém gì so với trồng bằng củ ly giống ngoại nhập. Hơn thế, theo phân tích của anh Trung, hoa ly trồng theo từng luống ở ngoài môi trường tự nhiên, không phải trồng trong nhà màng nên khi cắt hoa rất bền, tươi được lâu.
Tưởng bế tắc vì không nhập được giống nhưng vợ chồng anh Trung vẫn trồng được vườn hoa ly từ củ tái sinh đem lại thu nhập cao. Ảnh: Hoàng Bình |
Anh Trung cho biết hoa ly là cây khá khó tính, thời gian từ lúc trồng đến khi hoa nở khoảng 50 - 60 ngày, nhưng quá trình chăm sóc phải can thiệp về nhiệt độ, ánh sáng một cách hợp lý thì hoa mới nở đều và đúng dịp tết. Hiện vườn hoa ly của anh Trung bắt đầu lên màu hoa, nụ hoa đã chúm chím, dự kiến sẽ nở đúng vào ngày 30 tết với thời gian nở khoảng 10 ngày. “Giờ các thương lái đã vào đặt hàng hơn 50% số hoa rồi. Tôi nhẩm tính từ đây đến ngày cận tết thì không còn hoa để bán”, anh Trung nói.
Tết vui với vườn hoa ly thu bộn tiền
Theo anh Trung, nếu trồng bằng củ giống ly ngoại thì chi phí đầu vào khá cao, bình quân mua với giá 5.000 đồng/củ; còn với củ ly tái sinh, anh tiết kiệm được khoảng 50% chi phí. Vì vậy, năm nay anh sẽ bán hoa ly với giá rẻ hơn so với các năm trước. “Năm nay, tôi tính sẽ bán một chậu 3 cây với giá 120.000 đồng, chậu 5 cây 190.000 đồng. Với giá bán đó, ước tính vụ hoa năm nay gia đình tôi cũng thu về khoảng 600 triệu đồng, trừ hết chi phí sẽ lời được hơn 300 triệu đồng”, anh Trung nhẩm tính.
Vườn hoa ly của anh Hiển cũng đem lại kết quả thu nhập không kém cạnh anh Trung. Ảnh: Hoàng Bình |
Tương tự, cạnh vườn anh Trung, anh Phan Văn Hiển cũng xuống giống gần 40.000 củ ly tái sinh để chuẩn bị đón tết. Theo anh Hiển, do chi phí đầu vào thấp nên ước tính vụ hoa tết năm nay, anh lãi khoảng 300 triệu đồng từ vườn hoa ly của gia đình. Ngoài diện tích trồng hoa ly để bán dịp tết, hai hộ anh Trung, anh Hiển còn trồng dành khoảng 2.000 m2 đất trồng hoa ly gối vụ, cắt liên tục hoặc cắt vào các dịp rằm, đầu tháng để bán cho các tiệm hoa trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.
Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch UBND P.Khánh Xuân, cho rằng mô hình trồng hoa ly từ củ giống tái sinh của anh Trung và anh Hiển nói trên đã thu được hiệu quả kinh tế cao, giúp người trồng không bị “thất bát” do không nhập được củ giống. “Cái khó làm ló cái khôn, hai nông hộ này đã tìm tòi, học hỏi, áp dụng sáng tạo biện pháp kỹ thuật và thành công khi trồng hoa ly từ củ giống mùa trước trong điều kiện tự nhiên. Đây là mô hình rất triển vọng, được nhiều hộ trồng hoa trong vùng tìm đến học hỏi, nhân rộng”, ông Chung trao đổi.
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)