Pháp luật

Tin tức

Bắt phó giám đốc công ty làm giả 1.300 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làm giả hơn 1.300 bộ quần áo bảo hộ y tế trong dịch Covid-19, Trương Thị Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Y tế Đức Anh, cùng 2 thuộc cấp bị công an tạm giữ.



Ngày 10-4, thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội cho biết đơn vị đang tạm giữ Trương Thị Bình (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Y tế Đức Anh); La Văn Thi (Phụ trách bộ phận kinh doanh của Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Y tế Đức Anh) và Nguyễn Đức Việt Anh (nhân viên Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Y tế Đức Anh) để điều tra hành vi Sản xuất hàng giả.

 

Cảnh sát khám xét nơi chứa hàng giả của Công ty Đức Anh - Ảnh: Bộ Công an
Cảnh sát khám xét nơi chứa hàng giả của Công ty Đức Anh - Ảnh: Bộ Công an



Trước đó, sáng 8-4, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện xe ôtô mang BKS 29C - 222.98 đang nhập hàng trước cửa Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ y tế Đức Anh (số 5, ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa) có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 30 thùng carton chứa 1.200 bộ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch ghi sản xuất tại Công ty Phúc Hà. Tiến hành kiểm tra tại công ty và kho của Công ty Đức Anh, tổ công tác đã bắt quả tang nhân viên công ty đang thực hiện đóng gói các sản phẩm rời vào túi bộ quần áo phòng dịch mang nhãn của Công ty Phúc Hà. Ngoài ra, tại kho của công ty còn phát hiện số lượng lớn sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của nhiều hãng khác nhau, nhiều thùng tem nhãn mác.

Theo kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội, hơn 1.300 bộ quần áo bảo hộ y tế thu giữ của Công ty Đức Anh là hàng giả.

Qua đấu tranh cơ quan Công an đã làm rõ, Công ty Đức Anh đã mua các dụng cụ bảo hộ y tế gồm khẩu trang, quần áo, kính, giày.. từ một đối tượng rồi chỉ đạo nhân viên trong công ty đóng gói và dán nhãn các đơn vị sản xuất khác đã được cơ quan y tế cấp phép.

Tại cơ quan Công an, Phó giám đốc Trương Thị Bình khai các sản phẩm này được mua trôi nổi trên thị trường rồi in nhãn mác, đóng gói để bán kiếm lời. Giá mua chỉ bằng khoảng 40-50% giá trị của sản phẩm thật.

 

Theo Nguyễn Hưởng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm