Cơ quan nghiên cứu ở Mỹ vừa chỉ ra diễn biến bất thường tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia) - vốn bị cho là đang dần có sự hiện diện của Trung Quốc.
Vị trí căn cứ hải quân Ream. Đồ họa: TL |
Rạng sáng 3.10 (theo giờ VN), Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố báo cáo liên quan diễn biến mới ở căn cứ hải quân Ream. Đây là căn cứ được đặt tại tỉnh Sihanoukville nằm bên bờ vịnh Thái Lan, tức phía nam Biển Đông.
Theo báo cáo của AMTI, hình chụp vệ tinh ngày 1.10 cho thấy chính phủ sở tại đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream. Phân tích các hình ảnh cũ thì việc phá dỡ được cho là có thể xảy ra sau ngày 5.9, và khả năng là vào ngày 10.9.
So sánh hình chụp vệ tinh ngày 22.8 (trái) và ngày 1.10 (phải) thì một cơ sở do Mỹ xây dựng ở Ream đã bị phá dỡ. Ảnh: AMTI |
Cơ sở trên là một trong số các dự án do Mỹ tài trợ. Trong khi đó, các dự án do Mỹ tại trợ ở đây được cho là sẽ bị dời đi sau khi Campuchia đạt được một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc. Chính vì thế, việc phá dỡ cơ sở trên càng làm dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận bí mật giữa Campuchia với Trung Quốc xung quanh căn cứ Ream.
Năm 2019, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ Phnom Penh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Cụ thể hơn, theo thông tin của một số quan chức Mỹ giấu tên và đã nhận thông tin về thỏa thuận vừa nêu, Campuchia cho phép tàu chiến và quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ trên trong 30 năm. Thông tin về thỏa thuận này càng được củng cố sau khi Campuchia được cho là đã từ chối việc Mỹ đề nghị hỗ trợ nâng cấp các cơ cở ở căn cứ Ream. Sau khi rộ lên các thông tin này, phía Campuchia đã lên tiếng bác bỏ.
Cuối tháng 9 vừa qua, truyền thông Campuchia đưa tin Bộ Quốc phòng nước này Tea Banh vừa có cuộc gặp với ông W.Patrick Murphy, Đại sứ Mỹ tại Campuchia. Trong cuộc gặp, ông Tea Banh được cho là đã cam kết với phía Mỹ rằng chỉ hải quân Campuchia sử dụng căn cứ hải quân Ream.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15.9 thông tin nước này vừa quyết định trừng phạt Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG). Đây là một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Theo Washington, UDG đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong và dự án này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên quan báo cáo ngày 3.10 của AMTI, Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ nêu: “Chúng tôi quan ngại việc cơ sở của Mỹ bị san phẳng có thể nằm trong kế hoạch của Campuchia về việc cho phép tài sản, lực lượng quân đội Trung Quốc hiện diện ở căn cứ hải quân Ream”. Trong khi đó, phía Campuchia chưa đưa ra phản ứng về thông tin trên.
Theo HOÀNG ĐÌNH (thanhnien)