Biển người ủng hộ ứng viên tổng thống Subianto ngày 10-2. Ảnh: AFP |
Đau tim và tăng huyết áp là hai nguyên nhân gây tử vong lớn nhất khiến 108 nhân viên bầu cử thiệt mạng.
Indonesia từng ghi nhận gần 900 nhân viên chết vì kiệt sức trong cuộc bầu cử 2019, buộc giới chức giới hạn độ tuổi 55 với tình nguyện viên và yêu cầu họ kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia hỗ trợ bầu cử trong năm nay. Nhưng biện pháp này vẫn không ngăn được số ca tử vong lớn, khiến nhiều người Indonesia kêu gọi xem xét lại toàn diện cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử này có quy mô vào hàng lớn nhất thế giới với gần 205 triệu cử tri Indonesia tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống, quốc hội và chính quyền địa phương chỉ trong một ngày. Năm nay, nước này đã phải huy động 5,7 triệu tình nguyện viên làm việc tại 800.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Sau khi tham gia hỗ trợ tại các điểm bỏ phiếu trong suốt một ngày, họ phải kiểm phiếu thủ công 12 giờ liên tục. Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia cho hay phần lớn nhân viên không ngủ trong hai ngày sau bầu cử.
"Cách duy nhất để ngăn nhiều người chết là chia nhỏ bầu cử, tổ chức các cuộc bỏ phiếu riêng biệt", Khoirunnisa Agustyati, nhà hoạt động thuộc Hiệp hội Bầu cử và Dân chủ (Perludem), cho biết. Tòa án Hiến pháp từng nhận yêu cầu tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội riêng biệt. Song Tòa án bác đơn, cho rằng Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) chịu trách nhiệm sắp xếp giờ làm việc hợp lý cho các nhân viên kiểm phiếu, bất kể hình thức bầu cử.