"Yêu trọn đời, yêu đến tóc bạc vẫn yêu", đó là khẳng định của bầu Thắng khi nói về tâm huyết và tình yêu của ông và bầu Đức dành cho bóng đá Việt Nam.
“Tình yêu của chúng tôi dành cho bóng đá Việt Nam thì không cần phải nói nhiều. Tôi và anh Đức yêu bóng đá Việt Nam đến bây giờ tóc đã bạc cả rồi. Chúng tôi khẳng định luôn dành tình yêu cho bóng đá. Nhưng sau chúng tôi thì mong đợi thêm những người mới tiếp tục dành tình yêu và đầu tư cho bóng đá Việt Nam”, bầu Thắng nói lời ruột gan dành cho bóng đá nước nhà trong ngày ra đời giải bóng đá Sinh viên.
Gần 20 năm dành tình yêu và cống hiến cho bóng đá Việt Nam, bầu Thắng vẫn lưu giữ rất kĩ những kỷ niềm với trái bóng tròn. Những tấm hình của ông và HLV Calisto được cất giữ trang nghiêm. Chỉ có sự khác biệt là cách nghĩ và sự đầu tư đã thay đổi dần theo năm tháng, câu chuyện này cũng giống như hình ảnh bầu Thắng một thời tiên phong về việc đưa bóng đá nội lên chuyên nghiệp, sau đó nghĩ đến những điều cốt lõi để thầm lặng đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức vẫn miệt mài chung tay từ những điều nhỏ nhất để cống hiến cho bóng đá Việt Nam trong 20 năm qua. Từ người tiên phong xây dựng bóng đá chuyên nghiệp, mở đường cho bóng đá trẻ đến thay đổi tư làm bóng đá, văn hóa đá bóng cho cầu thủ, rồi đứng lên “dọn dẹp” những bất cập của bóng đá Việt Nam từ VPF đến VFF, kể cả chuyện HLV trưởng ĐTQG, bầu Đức là người hùng thầm lặng tận tụy nhất để mang đến những thành công rực rỡ trong suốt 2 năm qua thời HLV Park Hang Seo.
Cả bầu Đức và bầu Thắng từng là biểu tượng cho sự thành công ở V.League. Nhưng họ đã nghĩ khác làm khác, không còn chăm lo phần ngọn để có thành tích. Họ chọn bước đi khó hơn chuyện bỏ tiền mua những ngôi sao về giúp CLB gặt danh hiệu. Họ muốn hướng đến hành trình xây dựng thành công, tiền đề cho sức bật cả nền bóng chứ không phải đơn giản “ném tiền” mua cầu thủ.
Nhiều người sẽ nói rằng: Bóng đá cần thành tích, đào tạo bóng đá không có danh hiệu thì để làm gì?
Câu hỏi này khó trả lời nhưng đáp án và bản ngã của vấn đề có thể nhìn qua chuyện bầu Thắng “tặng” HLV Calisto cho VFF, hỗ trợ trả lương. Nếu cần thành tích cho CLB thì bầu Thắng chọn cách dễ hơn là tìm một nhà cầm quân khác cho VFF, sau đó tiếp tục giữ ông Calisto cho CLB Long An.
Nếu vì thành tích để đánh bóng thương hiệu thì bầu Đức không cần phải ngồi như thế này để chăm lo cho các cầu thủ từ văn hóa đến chuyện tập chơi bóng.
Lăng kính rõ ràng nhất là bầu Đức mở Học viện bóng đá HAGL. Bầu Đức không cần làm điều này, ông có thể dùng “núi tiền” đầu tư cho bóng đá trẻ để mua các cầu thủ nổi tiếng Việt Nam, hay các ngôi sao sắp hết thời trên thế giới đưa về CLB HAGL, sau đó gặt danh hiệu như những ngày đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp.
Bầu Đức chẳng cần mang ghế ra ngồi giữ trưa nắng xem những đứa trẻ như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh… tập bóng đá, hay chăm lo từ chuyện ăn học cho các cầu thủ trẻ để sau này trở thành người có ích cho xã hội, hay hình mẫu về những cầu thủ có văn hóa. Bầu Đức chỉ cần thuê những người có chuyên môn giỏi, quản lý đội bóng và ông còn mỗi việc ngồi đếm danh hiệu, cũng như tự hào nói về thành tích của CLB HAGL ở V.League.
Thế nên, khi chúng ta tách bạch mọi thứ ra khỏi câu chuyện “đếm” cúp và hành trình tạo ra giá trị cho cả nền bóng đá sẽ thấy rằng, chuyện đào tạo ra những con người giỏi từ văn hóa đến đá bóng là một hành trình vô cùng gian khó. Vì “trồng người” là một kỳ công vô cùng lớn lao. Nhưng làm được thì nhất định tạo ra những giá trị để đời, nó là “di sản” chung cho cả một nền bóng đá, qua đó những người đi sau nhìn vào học hỏi và phát triển.
Câu chuyện này nhìn rộng hơn khi những đứa trẻ không còn theo bóng đá chuyên nghiệp, không có thành tích nổi bật và “gắn mác” ngôi sao thì vẫn còn có những con đường khác để đi. Nhiều cầu thủ của HAGL bây giờ không đi theo bóng đá nhưng họ vẫn thành công ở một tư thế khác trong cuộc sống, thậm chí là có được sự nghiệp bền vững để góp phần tạo ra những giá trị xã hội. Bầu Đức chắc chắn phải rất vui vì bóng đá không chỉ là biết đá bóng, đó còn là hành trình nuôi dưỡng và giáo dục để mỗi cầu thủ mang tinh thần thể thao cùng kiến thức kiến tạo cuộc đời cho chính mình.
Nhìn lại ngọn ngành câu chuyên đào tạo trong bóng đá để thấy rằng, bóng đá Việt Nam may mắn khi có bầu Đức, bầu Thắng hay những ông chủ làm bóng đá hoặc đóng góp tâm huyết vì cái chung. Sân chơi bóng đá Sinh viên sắp tới cũng mang hơi thở và thông điệp xã hội lớn lao như thế.
Cái siết chặt tay của 8 ông chủ hứa hẹn kiến tạo thêm một con đường mới để nâng tầm bóng đá Việt Nam từ bệ phóng sân chơi học đường.
Bầu Thắng (Chủ tịch Đồng Tâm Lâm An), bầu Đức, ông Đào Hồng Tuyển (Chủ tịch Tuần Châu), ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch Nutifood), ông Nguyễn Quốc Kỳ (Tổng giám đốc Viettravel), ông Nguyễn Anh Khiêm (Chủ tịch Hưng Phú), ông Nguyễn Hoàng Anh (Tổng giám đốc Nam miền Trung), ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó chủ tịch Rồng Việt), tám doanh nhân cho ra đời giải bóng đá Sinh viên đang ấp ủ một giấc mơ lớn từ những viên gạch đầu tiên ở bóng đá học đường.
Đúng như bầu Thắng nói thì ông và bầu Đức yêu bóng đá đã bạc đầu, cần lắm những người mới có tâm huyết tiếp tục cồng hiến. Và thật vui khi bây giờ có thêm nhiều doanh nhân chung tay, ví dụ ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch Nutifood) trong mấy năm qua đã và đang cống hiến cho bóng đá Việt Nam, từ tài trợ cho lứa Công Phượng đến V.League, mở Học viện bóng đá Nutifood hay tài trợ cho các VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam…
Những ngôi trường rồi đây sẽ là nơi tạo nên bệ phóng cho bóng đá Việt Nam. Vì bất cứ nền bóng đá hàng đầu thế giới nào thì sân chơi học đường luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Những bước đi đầu tiên sẽ khó khăn nhưng tin rằng “quả ngọt” sẽ xuất hiện. Vì bóng đá khi được giải thoát khỏi hai chữ thành tích, có một tư thế mới trong hành trình “trồng người” thì giá trị vô cùng lớn lao.
Bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần thêm những con đường mới trong thập kỷ mới, cũng như có thêm những người tâm huyết sát cánh cùng bầu Đức và bầu Thắng để cống hiến cho bóng đá nước nhà. Ví dụ như Chủ tịch Nutifood – ông Trần Thanh Hải (người ở bên phải trong hình).
Một con đường mới đã bắt đầu được xây lên với những viên gạch đầu tiên từ bầu Đức, bầu Thắng (Chủ tịch Đồng Tâm Lâm An), ông Đào Hồng Tuyển (Chủ tịch Tuần Châu), ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch Nutifood), ông Nguyễn Quốc Kỳ (Tổng giám đốc Viettravel), ông Nguyễn Anh Khiêm (Chủ tịch Hưng Phú), ông Nguyễn Hoàng Anh (Tổng giám đốc Nam miền Trung), ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó chủ tịch Rồng Việt). Một niềm tin mới, một sức bật mới trong năm đầu tiên của thập kỷ mới, thật đáng để chờ đợi vào một hành trình mới cho bóng đá Việt Nam.
Đúng hơn, sau thành công dưới thời ông Park thì cần sức bật mới, tư duy mới, cách làm mới từ những người cũ và những người mới tâm huyết để chung tay đóng góp cho bóng đá nước nhà. Bóng đá học đường đáng để chờ đợi là một hành trình tạo nên sự khác biệt cho bóng đá Việt Nam trong thập kỷ này.
Văn Nhân (SaoStar)