Bố mẹ bé Bách vô cùng bất ngờ khi bác sĩ thông báo bé bị viêm loét dạ dày nặng, dương tính với vi khuẩn HP.
Bé Bùi Gia Bách, 5 tuổi ở Sơn Dương, Tuyên Quang được chuyển đến BV đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ trong tình trạng đau bụng từng cơn, ợ hơi chua, ăn uống kém.
Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định cho nội soi dạ dày gây mê. Kết quả nội soi cho thấy hình ảnh viêm, xung huyết, phình vị viêm xung huyết, rớm máu và dương tính với vi khuẩn HP.
Mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó cháu Bách hay đau bụng âm ỉ kèm theo ợ hơi liên tục, kéo dài khoảng 1 tuần. Đến khi bé kêu đau nhiều, gia đình mới đưa con đi viện.
Bé trai 5 tuổi ở Tuyên Quang bị dương tính với vi khuẩn HP |
Gia đình cho biết, rất bất ngờ khi nhận được kết quả từ bác sĩ vì không nghĩ con trai nhỏ tuổi như vậy lại bị viêm loét dạ dày và đặc biệt dương tính với vi khuẩn HP.
Chị cho biết, trong nhà chưa có ai đi nội soi dạ dày và chưa từng xét nghiệm bao giờ nên không biết có ai bị nhiễm vi khuẩn HP hay không.
Một trường hợp khác ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang là bệnh nhân Nguyễn Xuân Hoàng, 12 tuổi, cũng phải nhập viện điều trị do viêm loét tá tràng và xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP dương tính.
Đáng lưu ý, ngày càng có nhiều trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị vì viêm loét dạ dày và nhiễm vi khuẩn HP. Đáng lưu ý, đa phần các gia đình đều rất bất ngờ khi biết con mình bị bệnh về dạ dày khi còn quá nhỏ như vậy.
Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm
Theo thống kê, khoảng 70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn HP, là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư dạ dày.
Với ung thư dạ dày, BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, khoa học mới tìm ra những yếu tố thuận lợi. Trong đó khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh.
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3, sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm. TS.BS Nguyễn Công Long, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP rõ nét là qua đường ăn uống và qua phân.
Với trẻ em có thể do ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt, mớm cơm, hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng với người nhiễm vi khuẩn HP.
Vi khuẩn HP |
Hơn nữa hệ miễn dịch của trẻ em còn rất yếu vì vậy rất dễ lây nhiễm và khi bị nhiễm sẽ diễn biến bệnh rất nhanh.
Khi trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng). Cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.
Theo TS Long, dù số người nhiễm virus HP rất lớn, nếu tính chung cả thế giới lên tới 50% dân số, tuy nhiên chỉ có một số người nhiễm HP tiến triển thành viêm loét dạ dày, tá tràng và số ít nữa thật sự tiến triển thành ung thư. Hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.
Diệt trừ HP thường sử dụng phác đồ điều trị 3 thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn, có trường hợp phải điều trị rất nhiều lần với nhiều phác đồ.
Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng, không có những tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao. Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng, thực thể.
Để phòng ngừa vi khuẩn HP, TS Long nhấn mạnh, cách tốt nhất là nên cách ly không dùng chung đồ ăn, chung muỗng, thìa, bát... khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt tránh nhai cơm, hôn trẻ vì đó là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP nhanh nhất.
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi.
Thúy Hạnh (VIE)