Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Bên trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để đối phó Triều Tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhân viên tại căn cứ phòng thủ tên lửa Fort Greely, Alaska, tự tin sẽ phá hủy tên lửa Triều Tiên phóng về Mỹ dù tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm chỉ 60%.

“Vị trí va chạm là Los Angeles, chúng tôi đang thực hiện tấn công xử lý mối đe dọa, 2 tên lửa đánh chặn GBI đã được phóng”, tiếng của một thiếu tá vang lên trong phòng điều khiển của căn cứ phòng thủ tên lửa ở Fort Greely, bang Alaska  (không nêu tên vì lý do an ninh).

Phóng viên CNN đã được phép tham quan và ghi nhận quá trình đánh chặn mô phỏng một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM. Đây là lá chắn của Mỹ khi tên lửa ICBM tấn công - đặc biệt từ Triều Tiên.

“Mối đe dọa đối với Los Angeles đã bị chặn và phá hủy”, tiếng thiếu tá vang lên trong phòng điều khiển. Ông và những người lính thuộc Tiểu đoàn phòng thủ tên lửa 49, Vệ binh Quốc gia được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành các tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GBI) thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), có căn cứ tại Fort Greely ở Alaska, và Vandenberg ở California.

Khi có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hướng tới nước Mỹ, căn cứ ở Fort Greely, Alaska là nơi đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ phóng tên lửa đánh chặn. Nếu tên lửa vượt qua được lá chắn tại đây, căn cứ ở Vandenberg ở California sẽ là chốt chặn tiếp theo để bảo vệ nước Mỹ.

 

Tên lửa đánh chặn GBI bên trong silo tại căn cứ Fort Greely, Alaska.

Tự tin dù tỷ lệ thành công chỉ 60%

Tọa lạc trên vùng đất hoang vắng cách thành phố Fairbanks, bang Alaska, khoảng 240 km. Nơi đây có các silo cố định trong lòng đất với 38 tên lửa GBI chĩa lên bầu trời và luôn sẵn sàng phóng. Thêm 6 tên lửa dự kiến có mặt tại căn cứ này vào cuối năm.

Phóng viên được nhân viên ở căn cứ mở cửa cho xem bên trong một tên lửa đánh chặn GBI với màu trắng đặc trưng lắp bên trong silo. Phóng viên được cảnh báo rằng bất kỳ thời điểm nào nếu còi báo động vang lên, họ phải bỏ lại tất cả thiết bị để sơ tán trước khi tên lửa phóng đi.

Trung tá Orlando Ortega, chỉ huy Tiểu đoàn 49, nói: “Chiếc xe sát thủ đang ở đó, ngay trên đỉnh tên lửa, công nghệ then chốt để đánh chặn tên lửa đối phương”. Nó được gọi là phương tiện đánh chặn ngoài khí quyển (EKV), được thiết kế để lao vào tên lửa mục tiêu và tiêu diệt nó.

“Chúng tôi được đào tạo để bắn một viên đạn vào một viên đạn và tiêu diệt nó để nó không tiêu diệt chúng tôi. Triều Tiên thực sự trở nên hung hăng hơn trong việc thử nghiệm tên lửa và những tuyên bố của họ. Điều đó làm cho mối đe dọa trở nên thực tế hơn đối với chúng ta”, Trung tá Ortega nói.

Các binh sĩ trong căn cứ mà phóng viên có cơ hội tiếp chuyện đều tự tin vào khả năng bắn hạ ICBM của hệ thống, cho dù tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm chỉ 60%. Theo số liệu của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, trong 18 thử nghiệm đã tiến hành, 10 lần tên lửa GBI đánh chặn thành công mục tiêu.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, bang Alaska nói: “Chúng ta có một số thất bại nhưng không có nghĩa là chúng ta không tiến bộ”. Ông đã đưa ra dự luật tăng số lượng tên lửa GBI lên 72, tăng cường các hoạt động thử nghiệm và nghiên cứu khả năng tăng số lượng tên lửa đánh chặn lên 100.

Ông thừa nhận hệ thống GMD có tỷ lệ thành công chỉ 60% nhưng công nghệ này liên tục được cải tiến. Thượng nghị sĩ Sullivan tin rằng tên lửa GBI vẫn là lựa chọn tốt nhất để chống lại mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

40 tỷ USD đã được chi cho hệ thống GMD, nếu đề xuất của Thượng nghị sĩ Sullivan được thông qua sẽ tiêu tốn thêm hàng tỷ USD nữa. Hệ thống thực sự đắt tiền nhưng thực sự cần thiết khi đối mặt với hành vi không lường trước và không ổn định của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Thượng nghị sĩ Sullivan cho biết thêm.

 

Các nhân viên trong phòng điều khiển trung tâm ở căn cứ Fort Greely.

300 binh sĩ bảo vệ 300 triệu người

Quá trình đào tạo mô phỏng tại căn cứ được tăng lên trong thời gian gần đây, song song với hoạt động phóng tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng. Các binh sĩ ở đây đều hiểu rằng, họ là chốt chặn cuối cùng, nên khi nhận lệnh, họ không thể để trượt mục tiêu.

Những người lính ở căn cứ đang làm nhiệm vụ nơi hẻo lánh với nhiệt độ luôn ở mức -40 độ C vào mùa đông. Một người lính trẻ tự nhận là người điều hành cảm biến nói: “Tôi nghĩ về gia đình tôi ở Georgia. Chúng tôi làm công việc này với 100% khả năng để bảo vệ họ”.

Tiểu đoàn Phòng thủ tên lửa 49 ở Alaska có khoảng 300 người đang làm nhiệm vụ cao cả để bảo vệ 300 triệu người dân Mỹ.

Sáng 29-8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương. Sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố việc phóng tên lửa qua Nhật Bản là bước đầu tiên để kiểm soát đảo Guam, nói có căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Thượng nghị sĩ Sullivan cho biết thêm việc Triều Tiên sở hữu ICBM có thể mang đầu đạn hạt nhân là một thực tế chứ không còn là khả năng. “Tôi nghĩ rằng không làm gì khi đối mặt với mối đe dọa này không phải là lựa chọn chấp nhận được và tôi tin rằng hầu hết người Mỹ đồng ý với tôi về điều đó”, Thượng nghị sĩ Sullivan nói.

Trung Hiếu/zing

Có thể bạn quan tâm