Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai: Bước tiến mới trong điều trị nhồi máu não cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai ứng dụng phương pháp điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết. Đây là một trong những phương pháp điều trị đặc biệt hiệu quả đối với người bị bệnh nguy hiểm này.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Công-Trưởng khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trong đó, nhồi máu não chiếm khoảng 85%. Trong năm 2020, Bệnh viện tiếp nhận 657 bệnh nhân nhồi máu não. Từ cuối năm 2019, Bệnh viện đã áp dụng điều trị thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch cho bệnh nhân bị nhồi máu não cấp đến sớm trong vòng 4 giờ 30 phút đầu (giờ vàng) sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như giúp bệnh nhân hồi phục chức năng thần kinh, giảm di chứng.
“Đối với bệnh nhân nhồi máu não, sau khi Khoa Cấp cứu tiếp nhận ban đầu thì sẽ thông tin ngay cho đội đột quỵ đến khám. Với những trường hợp đến sớm trong khoảng 4 giờ 30 phút đầu và đáp ứng các điều kiện thì sẽ chỉ định điều trị bằng tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào tĩnh mạch để làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não giúp người bệnh tránh phẫu thuật hay các can thiệp xâm lấn. Nhiều trường hợp nhồi máu não cấp đến sớm đã được cứu chữa thành công, hồi phục và không để lại di chứng”-TS. Công cho biết.
Nhờ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, ông Nguyễn Ngọc Bình (88 tuổi, trú tại tổ 9, phường Hội Phú, TP. Pleiku) hiện đã hồi phục. Ông Nguyễn Ngọc Phúc-con trai ông Bình-cho hay: “Lúc mới vào viện, ba tôi bị liệt tay chân bên trái, nói khó, méo miệng và được chuyển lên Khoa Lão. Sau khi được các y-bác sĩ chăm sóc, điều trị, đến nay, sức khỏe ba tôi đã hồi phục, tay chân cử động bình thường, nói rõ”. 
3-5-2021 Qua điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, sức khỏe của ông Nguyễn Ngọc Bình - tổ 9, phường Hội Phú, TP.Pleiku đã hồi phục. Ảnh Như Nguyện.jpg
Qua điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, sức khỏe của ông Nguyễn Ngọc Bình (tổ 9, phường Hội Phú, TP. Pleiku) đã hồi phục. Ảnh: Như Nguyện
Chăm vợ bị nhồi máu não, ông Nguyễn Văn Chiến (tổ 13, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Lúc mới nhập viện, vợ tôi không nói được. Qua điều trị thì sức khỏe có chuyển biến. Hy vọng vợ tôi sớm hồi phục để về nhà với con cháu”.  
Tại Khoa Lão, số bệnh nhân nhồi máu não chiếm 2/3 tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị và phương pháp bằng thuốc tiêu sợi huyết càng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đối với nhóm bệnh nhân cao tuổi cũng gặp không ít khó khăn như: khó xác định thời gian khởi phát, đưa đến viện thường chậm trễ, bệnh lý nền cũng như các thuốc sử dụng hàng ngày làm cho bệnh nhân bị chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc làm tăng nguy cơ biến chứng của thuốc… Chính vì vậy, bác sĩ phải đưa ra quyết định chính xác, phù hợp nhằm giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả và hạn chế thấp nhất các biến chứng do thuốc gây ra.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Theo TS. Nguyễn Thành Công, hiện nay, nhồi máu não không chỉ ở người già mà ngay cả người trẻ cũng bị và ngày càng gia tăng. Đây là loại đột quỵ xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não, có thể chữa khỏi.
Người có nguy cơ bị nhồi máu não thường là những người mắc những bệnh làm gia tăng khả năng hình thành huyết khối bất thường hoặc bệnh làm tổn thương lớp lót trong của động mạch não như: bệnh tim, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường và chứng rối loạn đông máu… Những đối tượng hút thuốc lá, nghiện rượu bia, người có tiền sử bị béo phì, ít vận động, cholesterol cao, stress dễ dẫn tới nhồi máu não.
Để tránh nguy cơ nhồi máu não, mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nói không với thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích; xây dựng chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe, hạn chế ăn mặn và mỡ động vật…
“Khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu như: 1 bên mặt không cử động, cánh tay 1 bên yếu hơn bên kia khi đồng thời giơ cả 2 tay lên, nói đớ, líu lưỡi… thì cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện (tốt nhất là trong giờ vàng) để được cấp cứu và điều trị kịp thời”-TS. Công khuyến cáo.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm