Pháp luật

Tin tức

Bị bắt, lâm tặc khai ra vị trí phá rừng khác, cán bộ mới biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các bị can trong vụ ‘lâm tặc mở đường giữa rừng đốn gỗ’ tại Phú Yên đã khai ra 1 khu vực rừng mới mà chúng chặt hạ với cả trăm cây gỗ đường kính lớn.

Một cây gỗ lớn tại khoảnh 10 tiểu khu 358 rừng xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên) bị lâm tặc cắt hạ - Ảnh: TRỌNG THI
Một cây gỗ lớn tại khoảnh 10 tiểu khu 358 rừng xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên) bị lâm tặc cắt hạ - Ảnh: TRỌNG THI


Ngày 9-9, ông Mai Ne - phó chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) - xác nhận Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên phối hợp các lực lượng của huyện và xã Sơn Thành Tây vừa kiểm tra khoảnh 10 tiểu khu 358 thuộc rừng xã Sơn Thành Tây và phát hiện vụ chặt phá cây rừng tương đối lớn ở đây.

Theo ông Ne, sau khi có 2 người (Nguyễn Hoài Linh (41 tuổi) và Trần Văn Tấn (40 tuổi, cùng ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản" vào cuối tháng 8-2020, thì những người này khai ra một vị trí phá rừng nữa ở khoảnh 10 tiểu khu 358.

Ông Trịnh Lâm Hải - chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, địa phương chủ rừng nêu trên - cho biết qua kiểm tra thực tế 2 ngày, cơ quan điều tra và lực lượng chức năng kiểm đếm cả 2 khoảnh 7 và khoảnh 10 của tiểu khu 358 có hơn 200 cây gỗ bị chặt hạ.

Nhiều cây gỗ bị chặt được phát hiện trong đợt này có đường kính lớn, 1 người ôm không xuể, lớn hơn so với số gỗ được phát hiện hồi cuối tháng 4-2020 ở khu vực rừng này.

 

Gỗ rừng bị hạ ở khoảnh 10 tiểu khu 358 rừng xã Sơn Thành Tây - Ảnh: TRỌNG THI
Gỗ rừng bị hạ ở khoảnh 10 tiểu khu 358 rừng xã Sơn Thành Tây - Ảnh: TRỌNG THI


Theo báo cáo hồi tháng 5-2020 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên, tại 2 khoảnh rừng nêu trên có 690m đường bị san gạt, có 32 cây gỗ dọc đường bị cắt hạ.

Tuy nhiên, so với số cây gỗ kiểm đếm trong đợt kiểm tra mới đây thì số gỗ bị chặt thực tế vượt hơn 160 cây, hầu hết là gỗ lớn. Theo ông Hải, vị trí rừng bị phá là rừng tự nhiên nhưng có chức năng sản xuất.

Chúng tôi đặt vấn đề vì sao khoảnh 10 nằm cách khoảnh 7 chỉ 40m nhưng hồi tháng 4, tháng 5-2020 lực lượng của xã, của huyện không phát hiện ra hành vi của lâm tặc để báo cáo; trong khoảnh 10 hiện có một con đường rộng đến 3m, nhiều cây bị hạ dấu hiệu còn mới, liệu có hay không sự lơ là của chủ rừng?

Ông Trịnh Lâm Hải nói rằng vào tháng 4-2020, khi phát hiện lâm tặc mở đường đốn gỗ, các lực lượng tập trung vào dấu vết mới để kiểm tra, rà soát, kiểm đếm. "Còn khúc ở trên thuộc khoảnh 10 thì thấy có con đường cũ, dây nhợ chằng chịt nên anh em cũng chủ quan, không lên, không kiểm tra" - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, xã Sơn Thành Tây được giao quản lý 4.000ha rừng, trong đó 2.800ha rừng tự nhiên.

"Rừng quá rộng lớn, lại giáp ranh với rừng huyện Sông Hinh nên rất phức tạp. Xã rất cố gắng nhưng vì lực lượng mỏng, kiêm nhiệm; dụng cụ, phương tiện, kinh phí bảo vệ rừng đều gặp khó khăn nên còn xảy ra phá rừng. Đây có lẽ là vụ phá rừng quy mô lớn nhất trên địa bàn kể từ khi tôi làm chủ tịch xã" - ông Hải nói.


Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, tháng 5-2020, các lực lượng chức năng phát hiện lâm tặc dùng cơ giới mở đường vào rừng đốn gỗ ở khu vực giáp ranh 2 huyện Tây Hòa và Sông Hinh của tỉnh Phú Yên. Đến nay có 2 người bị khởi tố, 1 người bị bắt giữ khẩn cấp.


Theo DUY THANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm