TN - Đất & Người

Bí thư chi đoàn "làm trước, nói sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người cùng tiến... là những đức tính đáng quý ở chàng trai Bahnar Đinh Văn Hlinh-Bí thư chi đoàn làng Ktoh (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro). Sau 5 năm giữ vai trò “thủ lĩnh”, Hlinh đã tạo được sự gắn kết bền vững trong thanh niên và từng bước đưa phong trào Đoàn tại địa phương đi lên.

“Làm trước, nói sau”

Tôi tìm về làng Ktoh để gặp Hlinh vào một buổi sáng tháng 3 oi nồng. Bên hiên nhà sàn, anh đang tỉ mẩn ngồi đan cho vợ chiếc gùi mới trông khá đẹp mắt. Thấy khách đến, Hlinh liền ngưng tay và nở nụ cười hiền, bảo: “Nếu Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn không gọi hẹn trước, giờ này mình đã đi chăm đàn bò với tắm cho mấy con trâu rồi. Mùa này lên rẫy miết chứ không ở nhà bao nhiêu cả. Gùi thì mình vẫn hay tranh thủ đan lúc rảnh rỗi, chủ yếu là làm cho nhớ cái nghề truyền thống của dân tộc chứ nó sắp mai một mất rồi”.

 

Hlinh chăm sóc bầy thỏ vừa mới nuôi. Ảnh: M.T
Hlinh chăm sóc bầy thỏ vừa mới nuôi. Ảnh: M.T

Quả đúng như nhận xét của dân làng, Hlinh là một người trẻ có tâm trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Anh không đành lòng đứng nhìn cái nghề đan gùi, dệt vải, làm nỏ... gắn bó với dân tộc mình qua nhiều thế hệ giờ lại dần nhạt nhòa cùng năm tháng. Vì thế, tại các buổi sinh hoạt chi đoàn, Hlinh đều ra sức tuyên truyền, phân tích cho đoàn viên, thanh niên của làng cố gắng học đan, học dệt, học đánh cồng chiêng. Ai giỏi rồi thì dạy lại những người chưa rành, nhất là các em nhỏ để mọi người cùng biết.

Trở lại về cơ duyên của mình với tổ chức Đoàn, Hlinh cho biết: “Mình vốn rất thích tham gia phong trào nên hễ địa phương tổ chức hoạt động gì mình đều góp mặt. Năm 2011, mình được thanh niên trong làng bầu làm Bí thư chi đoàn. Làm được gần 1 năm thì mình phải gác lại để lên đường nhập ngũ. Sau 18 tháng hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự trở về làng, anh em lại giao phó cho mình đảm nhận chức vụ này. Đại hội vừa rồi, mình lại được tín nhiệm nên tiếp tục làm Bí thư chi đoàn làng Ktoh. Có thể nói, môi trường Đoàn đã giúp mình ngày càng chín chắn và trưởng thành hơn, mở mang tầm hiểu biết về mọi mặt”.

 

Anh Nguyễn Văn Tuấn-Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Kông Chro: “Hlinh là người khá nhanh nhẹn và năng nổ trong mọi hoạt động phong trào, có uy tín đối với đoàn viên, thanh niên. Không những thế, Hlinh còn đi đầu trong phát triển kinh tế và sẵn sàng hỗ trợ sản xuất cho dân làng lẫn thanh niên ở địa phương”.

Kinh nghiệm của Hlinh trong việc lãnh đạo, tập hợp thanh niên là “làm trước, nói sau”, “nói phải đi đôi với làm”. Thế nên khi triển khai bất cứ việc gì, anh luôn là người tiên phong nêu gương để các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn nhìn thấy và làm theo. Mặt khác, tại buổi sinh hoạt chi đoàn ở nhà rông hàng tháng, ngoài các công việc thường kỳ, Hlinh còn tuyên dương những người làm tốt và thẳng thắn phê bình những ai sai phạm hoặc cố tình không tham gia phong trào.

Tập trung phát triển kinh tế

Tâm sự với tôi, Hlinh bảo rằng, muốn thoát nghèo đối với người dân làng Ktoh không có con đường nào khác ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế. Ý thức được điều đó, anh luôn chịu khó làm ăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lập gia đình từ năm 2009, đến lúc chuyển ra ở riêng vào cuối năm 2015, vợ chồng anh đã có thể tự xây mới được 2 ngôi nhà và đang chuẩn bị sửa chữa lại cho khang trang hơn. Hiện tại, Hlinh có trong tay gần 4 ha đất, trồng đủ các loại: lúa nước, lúa rẫy, đậu xanh, mì, bắp, ớt, đu đủ… mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi 15 con trâu, bò (4 con bò lai), 18 con dê, gần chục con thỏ và heo, gà, vịt… để bán thịt, lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Sắp đến, anh Hlinh dự định sẽ trồng thêm 3 sào chanh dây và 1.000 gốc đu đủ.

Song song với việc giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế, Hlinh còn hỗ trợ thanh niên, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong làng bằng cách cho họ nuôi rẽ bò, dê. Sau khi gia súc sinh sản, họ sẽ được chia phần là những chú bò con, dê con, từ đó có điều kiện để làm ăn, vượt qua khó khổ.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm