TN - Đất & Người

Bí thư Đảng ủy xã làm "dân vận khéo"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai), ông Phạm Văn Phương luôn gần gũi, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, vận động họ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gần gũi người dân  
Ấn tượng của tôi về Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar Phạm Văn Phương là sự gần gũi, chu đáo, luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác. Gần đây nhất, khi tôi tới trụ sở xã Ia Piar thì thấy một cụ già chống gậy đến bộ phận “một cửa” của xã. Vừa lúc ấy, ông Phương từ trên gác đi xuống. Ông Phương dìu cụ già vào phòng mình rót nước mời uống, rồi ân cần hỏi chuyện. Cầm tờ đơn xác nhận lý lịch cho đứa cháu của cụ, ông Phương gọi nhân viên văn phòng bảo: “Giải quyết nhanh cho cụ”.
Ông Phạm Văn Phương (bên phải) kiểm tra việc kéo điện thắp sáng đường quê. Ảnh: Trần Đức
Ông Phạm Văn Phương (bên phải) kiểm tra việc kéo điện thắp sáng đường quê. Ảnh: Trần Đức
Từ bên ngoài, tôi nghe loáng thoáng cụ già thắc mắc có mấy bì rác “rất chướng mắt” đã nằm khá lâu phía sau cổng làng văn hóa. Chuyện nhỏ vậy nhưng ngay chiều hôm đó, ông Phạm Văn Phương huy động đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh luôn cả con ngõ nhỏ ấy. “Đừng nói gì chuyện lớn, làm cán bộ xã nhiều khi chỉ một chuyện nhỏ nhặt người dân phản ánh mà mình không quan tâm giải quyết kịp thời sẽ làm cho dân mất niềm tin”-ông Phương nói.
Có lẽ cũng vì tâm niệm ấy mà Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar thường hay xách xe máy chạy xuống các thôn, làng. Tháng 4 vừa rồi, UBND huyện Phú Thiện phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ hội cúng cầu mưa của cộng đồng người Jrai ở thôn Rbai B. Mới tảng sáng, tôi xách máy ảnh đi lấy tin đã thấy ông Phương chỉ đạo lực lượng Công an, dân quân đảm bảo an ninh và huy động thanh niên tổ chức gian hàng trưng bày các sản vật của địa phương như: xoài, ổi, gạo… Trò chuyện cùng tôi, giọng ông khi đó khản đi vì nói nhiều: “Mấy hôm nay, triển khai kế hoạch của Huyện ủy tổ chức lễ cúng cầu mưa, Đảng ủy, UBND xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với dân làng dọn dẹp vệ sinh, trang trí không gian lễ hội để vừa đảm bảo tín ngưỡng của bà con, vừa giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương đến du khách”.
Là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã nhưng con người ông Phương là thế, gần gũi và lưu tâm đến từng công việc lớn, nhỏ. Ông nắm rõ tình hình từng thôn, làng, thấu hiểu hoàn cảnh từng hộ dân, từng số phận con người. “Tôi luôn tâm niệm làm dân vận là phải lấy dân làm gốc, dựa vào dân. Phải tin tưởng, coi người dân như người trong nhà, như vậy họ mới tin yêu và ủng hộ cán bộ”-ông Phương chia sẻ.
Mô hình tổ dân vận khéo
Ông Phạm Văn Phương trao đổi với người dân về làm đường nội đồng. Ảnh: Trần Đức
Ông Phạm Văn Phương trao đổi với người dân về làm đường nội đồng. Ảnh: Trần Đức
Xã Ia Piar có 14 thôn, làng (13 làng đồng bào Jrai) với hơn 8.600 khẩu. Người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn. Hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo”, ông Phạm Văn Phương xác định: “Làm dân vận khéo thực chất là tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động dân vận của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để ý Đảng hợp lòng dân”.
Từ nhận thức đó, ông chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ dân vận ở 14 thôn, làng trong xã. Thông qua các tổ dân vận, Đảng bộ, chính quyền xã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, vướng mắc nảy sinh trong cuộc sống người dân; đồng thời vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Nay Wih-Tổ trưởng tổ dân vận thôn Rbai B-cho biết: “Tổ có 7 thành viên do Bí thư chi bộ làm Tổ trưởng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn làm Tổ phó, các đoàn thể làm thành viên tham mưu cho cấp ủy, chi bộ thôn. Tại thôn Rbai B, sau mấy năm hoạt động, Tổ đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường; tình làng nghĩa xóm được coi trọng; hoạt động văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi; đời sống vật chất, tinh thần của dân làng ngày càng được nâng cao…”.
Trần Đức

Có thể bạn quan tâm