Chính trị

Tin tức

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm đánh giá công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số, chiều 22-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết bằng hình thức trực tuyến đến 178 điểm cầu, trong đó có 2 điểm cầu cấp tỉnh, 17 điểm cầu cấp huyện và 159 điểm cầu xã, phường, thị trấn.

Chủ trì tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh.

Những kết quả ấn tượng

Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành vào năm 2018 được Đảng bộ các cấp tích cực triển khai trong 3 năm (2018-2020) đã đem lại “luồng sinh khí” mới cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 84 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM trên tổng số 143 thôn, làng đăng ký. Trong đó, nổi bật là các huyện: Ia Grai có 19 thôn, làng/9 xã; Phú Thiện có 13 thôn, làng/9 xã; Chư Pưh có 7 thôn, làng/5 xã; Kbang có 6 thôn, làng/6 xã; Chư Prông có 6 thôn, làng/4 xã...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá: “Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cách làm mới, sáng tạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh trong việc chăm lo, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS. Từ khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 12 đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân để chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng làng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy các cấp đã phát huy, thể hiện rõ quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều cách làm hay, sáng tạo để xây dựng các làng ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp và nâng cao đời sống cho người dân”.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Linh

Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 11 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến 2020.

Những năm qua, các làng đã triển khai quy hoạch lại khu dân cư, đất ở, đất sản xuất, đất xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao... đưa vào quy hoạch chung của xã; mở rộng, sắp xếp bố trí dân cư, lập bản đồ quy hoạch, vận động người dân di dời nhà cửa để tạo cảnh quan và xây dựng các công trình công cộng. Cùng với đó, hệ thống giao thông nông thôn cũng dần hoàn thiện. Các thôn, làng đã làm mới, bê tông hóa được 171,66 km đường giao thông; cấp phối 43,75 km đường nội làng và nội đồng.

Song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các mặt đời sống kinh tế, văn hóa của người dân cũng có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tại các thôn, làng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM đạt 41,29 triệu đồng/năm. Một số thôn, làng có thu nhập cao như: làng Tung Blai (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) đạt 49,6 triệu đồng/người/năm; làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh), làng Dôr 2, làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) đạt 41 triệu đồng/người/năm... Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2020 là 11,59%, giảm 16,82% so với năm 2017.

Làm đường giao thông ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Thụy


Đặc biệt, từ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động, tự tin tham gia xây dựng NTM. Sinh hoạt, tập quán của người dân từng bước thay đổi theo hướng văn minh. Bà con đã dần loại bỏ tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà; an ninh trật tự được giữ ổn định, các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy; nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng làng NTM mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện ý thức làm chủ của người dân.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai xây dựng làng NTM. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư cũng như việc hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng NTM

Có được những kết quả nổi bật nói trên, bên cạnh nỗ lực tự thân của người dân phải kể đến sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cũng như các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị lực lượng vũ trang. Đặc biệt, việc lồng ghép các chương trình đầu tư để thực hiện Chỉ thị số 12 với các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã huy động được nguồn lực tổng hợp của các ngành, các địa phương và sức mạnh nội lực của người dân chung sức, đồng lòng xây dựng NTM trên địa bàn khu dân cư.

Sau thành công từ mô hình điểm của tỉnh ở làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), các địa phương đã tích cực đăng ký xây dựng làng NTM. Trong đó, huyện Ia Grai triển khai rất có hiệu quả Chỉ thị số 12 với 19 làng đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý chia sẻ kinh nghiệm: “Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng bộ huyện là yếu tố then chốt dẫn đến thành công trong triển khai xây dựng làng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp hàng đầu. Đặc biệt, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân, đề cao vai trò của hộ gia đình trong quá trình xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS”. Tương tự, Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến cũng cho rằng, thành công của quá trình xây dựng làng NTM là có sự huy động của cả hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đảm trách từng phần việc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhà ở của người dân thuộc 4 làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được giúp đỡ di dời, sắp xếp đến nơi ở mới ổn định hơn. Ảnh: Trần Dung


Để Chỉ thị số 12 tiếp tục phát huy ý nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nêu ý kiến: “Các địa phương cần phải đánh giá, phân tích kỹ từng đặc điểm khác nhau của từng thôn, làng để có phương án tổ chức thực hiện xây dựng làng NTM có hiệu quả. Đặc biệt, phải tuyệt đối không chạy theo thành tích làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con vùng DTTS, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng nợ tiêu chí trong đánh giá, rà soát các tiêu chí, chú trọng hơn vào đánh giá thực chất”.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp phải tiếp tục quan tâm để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 gắn với thực hiện thật tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phải đặt quyết tâm thực hiện bằng được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực theo khả năng của mình. Quy hoạch đầu tư hạ tầng điện-đường-trường-trạm, thay đổi trong sản xuất, vận động đưa trẻ em đến trường.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phải tuyên truyền để người dân thấy mình là chủ thể trong thực hiện và thụ hưởng kết quả từ Chỉ thị 12. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp xã phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục; phải làm thực chất, xuất phát từ sự tự chủ động của người dân của các thôn, làng; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong triển khai thực hiện, có phương pháp, cách làm phù hợp.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng, củng cố cấp ủy, chi bộ, ban nhân dân thôn, làng thực sự có ý chí, quyết tâm trong triển khai xây dựng làng NTM nhằm giúp quá trình thực hiện Chỉ thị số 12 đạt kết quả cao nhất.

Trong 3 năm (2018-2020), tổng kinh phí triển khai xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS gần 976 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 824 tỷ đồng; vốn người dân đóng góp hơn 93,6 tỷ đồng; vốn khác (vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ nông dân) hơn 37 tỷ đồng. Người dân đã hiến gần 87.000 m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn; huy động hơn 36.500 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ.

 PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm