Nội dung buổi làm việc nhằm khảo sát Dự án “Điều tra, đánh giá năng lực xử lý tình huống chính trị-xã hội của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở vùng Tây Nguyên hiện nay” tại Gia Lai.
Làm việc với đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, một số sở, ngành, cơ quan, hội, đoàn thể liên quan và Trường Chính trị tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đúng quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Đến năm 2023, toàn tỉnh có 98,2% cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp THPT; 74,7% có trình độ đại học trở lên; 83,4% có trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, đã có hơn 1.100 lượt cán bộ công chức cấp xã được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, hơn 4.500 lượt được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chuyên ngành vị trí việc làm. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được nâng lên hàng năm, phát triển theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa, nâng cao tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, hiện toàn tỉnh có tốc độ tăng tổng sản phẩm ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2020-2024 đạt 3,6%, giai đoạn 2020-2025 ước đạt 3,69%. Toàn tỉnh hiện có 10.223 doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng số vốn 154.985 tỷ đồng, 468 hợp tác xã đăng ký hoạt động. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2025 bình quân tăng 6,9%. Chất lượng lao động trên địa bàn từng bước cải thiện, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực.
Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững, ổn định. Phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống xã hội không để xảy ra “điểm nóng”, bất ngờ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung nhấn mạnh: Để đảm bảo tình hình an ninh chính trị, cần phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả. Công tác đối ngoại cũng đặc biệt chú trọng nhằm đảo bảo an ninh đường biên giới; tăng cường công tác kết nghĩa giữa hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo theo quy định.
Thay mặt đoàn công tác, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Ánh Tuyết ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh liên quan đến những nội dung mà đoàn quan tâm. Những kết quả phát triển kinh tế-xã hội, những kinh nghiệm nổi bật của tỉnh đạt được trong nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở sẽ là cơ sở để đoàn xây dựng đề án phân tích đánh giá vai trò năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, đào tạo cán bộ chuyên sâu về các kỹ năng xử lý tình huống chính trị. Qua đó, xây dựng báo cáo tham mưu kiến nghị chính sách với Trung ương, góp phần phát triển bền vững tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Theo chương trình công tác, chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát đi nghiên cứu thực tế tại huyện Chư Pưh; ngày 29-10, Đoàn tiếp tục làm việc tại 2 xã Bờ Ngoong, Ia Pal (huyện Chư Sê); ngày 30-10, làm việc tại Trường Chính trị tỉnh về những nội dung liên quan.