Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 215 điểm cầu cấp huyện, cấp xã.
Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện
Theo Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 4-2-2025 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả tổng nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh thì toàn tỉnh có 8.485 nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng, sửa chữa. Trong đó, 6.828 nhà cần xây dựng và 1.657 nhà cần sửa chữa. Căn cứ theo định mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây dựng và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa thì tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là 459,39 tỷ đồng.
Đến nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; 14 địa phương đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; 17 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở trên địa bàn.
Qua báo cáo nhanh, đến thời điểm hiện tại, 6 địa phương đã khởi công xây dựng, sửa chữa 72 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng. Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cho hay: Toàn huyện có 492 nhà cần xây dựng, sửa chữa, chủ yếu là của hộ nghèo và cận nghèo. Đến ngày 10-2, huyện đã khởi công xây dựng 29 căn nhà, sửa chữa 3 căn nhà. Hàng tuần, các địa phương đều báo cáo tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát về Ban Chỉ đạo huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ban Chỉ đạo huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động nguồn lực để đảm bảo các nhà xây dựng có kinh phí trên 100 triệu đồng. Huyện phấn đấu đến ngày 30-6 hoàn thành 80% tiến độ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tương tự, huyện Ia Pa cũng đã khởi công xây dựng, sửa chữa 21 nhà và tiếp tục khởi công xây dựng, sửa chữa 18 nhà trong tuần tới. Bí thư Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Minh Trưởng cho hay: Huyện sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2024 được chuyển nguồn sang năm 2025 cùng nguồn quỹ vận động trong cộng đồng và gia đình để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Huyện phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trên 50% tiến độ trong tháng 4 và thực hiện xong trong tháng 6-2025.
Huyện Chư Prông có số nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất tỉnh với 1.078 căn. Theo Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng, ngay trong tuần tới, huyện sẽ phân bổ 4,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2024 được chuyển nguồn sang năm 2025 và 1 tỷ đồng tiếp nhận từ kênh của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Riêng với 28 nhà tạm, nhà dột nát của đối tượng chính sách, người có công, địa phương sẽ bố trí nguồn kinh phí dự phòng để triển khai xây dựng, sửa chữa theo quy định.
Tiếp tục kêu gọi các nguồn lực trong xã hội để thực hiện chương trình
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương đã đề xuất việc có thể tận thu các nguồn nguyên vật liệu, khoáng sản để phục vụ công tác xây dựng, sửa chữa nhà. Theo đó, địa phương cam kết sử dụng các nguyên vật liệu bảo đảm công khai, minh bạch và thường xuyên giám sát, hướng dẫn không để xảy ra tình trạng sai phạm. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành cũng trao đổi, giải đáp những vướng mắc của địa phương.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho hay: Đến nay, 15/17 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trong lúc chờ nguồn ngân sách trung ương cấp về để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình chính sách, người có công, Giám đốc Sở Tài chính đề nghị các địa phương chủ động ứng nguồn ngân sách dự phòng để triển khai thực hiện.
Còn Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch thì đề nghị các địa phương ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhà ở gửi về Sở Xây dựng và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị Sở Tài chính tiếp tục hướng dẫn các thủ tục liên quan đến thanh toán thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu, hướng dẫn về nội dung báo cáo chi tiết, đầy đủ để kịp thời theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
“Tỉnh có số lượng nhà tạm, nhà dột nát lớn, thời gian thực hiện không còn nhiều. Do đó, tất cả các kế hoạch phải triển khai thực hiện nghiêm túc và thực hiện ngay, không chờ đợi”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận, biểu dương một số địa phương đã khẩn trương tổ chức phát động, triển khai các đợt cao điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát ngay sau Tết Nguyên đán và có nhiều hình thức vận động, kêu gọi nguồn lực thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ, kết quả thực hiện trong thời gian qua vẫn chưa như mong muốn, nhiều nội dung còn chậm. Do đó, Ban Chỉ đạo tỉnh, ban chỉ đạo các địa phương cần rút kinh nghiệm và ngay sau phiên họp này cần tổ chức triển khai quyết liệt hơn, tích cực hơn và đạt hiệu quả cao hơn.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2025. Đây là quyết tâm chính trị lớn của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn 140 ngày để hoàn thành mục tiêu trên. Do đó, các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt, quyết làm và làm thật sự có hiệu quả. Trong đó, phải tính toán cụ thể, xác định rõ mỗi ngày cần phải xóa bao nhiêu nhà tạm, nhà dột nát.
Đến nay, nguồn kinh phí công khai sẽ đưa về cho tỉnh để thực hiện chương trình là 241 tỷ đồng (Bộ Công an 231 tỷ đồng; Tập đoàn KN HOLDINGS 10 tỷ đồng); từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi 5% của tỉnh và các địa phương là 87 tỷ đồng. Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải cũng đã hỗ trợ tỉnh 4 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh còn thiếu 127 tỷ đồng, cần phải tiếp tục huy động các nguồn lực.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi, tiếp nhận các nguồn lực trong xã hội để thực hiện chương trình. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục làm việc với các cơ quan trung ương để có hỗ trợ thêm với tỉnh. Trước mắt, đề nghị các địa phương sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm chi 5% để khẩn trương thực hiện chương trình. Tỉnh cũng sẽ đề nghị Bộ Công an và Tập đoàn KN HOLDINGS sớm chuyển kinh phí về địa phương để phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị TP. Pleiku và thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 3 hoặc đầu tháng 4 vì số lượng nhà tạm, nhà dột nát của các địa phương này ít và nguồn lực tại chỗ cơ bản đáp ứng. Các địa phương có số lượng nhà tạm, nhà dột nát nhiều phải có chương trình, kế hoạch hàng tuần, hàng tháng để chủ động, năng động triển khai thực hiện.
“Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, kiểm tra, hướng dẫn, nắm tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương đã được phân công và báo cáo kết quả cụ thể hàng tuần về Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo tỉnh duy trì họp hàng tháng để đánh giá kết quả thực hiện; Thường trực Ban Chỉ đạo có báo cáo đánh giá hàng tuần.
Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc của các địa phương thì khẩn trương hướng dẫn để triển khai thực hiện đảm bảo thuận lợi nhất”-Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.