Chính trị

Họp báo triển khai Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 5-năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 6-2, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp tổ chức họp báo triển khai Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 5-năm 2025.

Buổi họp báo do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng-Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 35 Trung ương chủ trì theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các Học viện trực thuộc, các Tỉnh ủy, Thành ủy.

Đồng chủ trì có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan phối hợp tổ chức cuộc thi, gồm: Lê Quốc Minh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Đông Hải-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Tạ Ngọc Tấn-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Hải Bình-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tập thể lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.

d3616cba21349e6ac725.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn tham dự tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Theo thể lệ, tác phẩm dự thi tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính gồm: Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay; bảo vệ, lan tỏa lý luận về đường lối đổi mới đất nước. Bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thành tựu của Việt Nam qua 40 năm đổi mới; Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi mang tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Đối tượng tham gia dự thi là người Việt Nam ở trong và ngoài nước, người nước ngoài có tác phẩm chính luận phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Tác phẩm tham gia dự thi là tác phẩm chính luận bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số được dịch ra tiếng Việt, tiếng nước ngoài dịch ra tiếng Việt), thuộc 1 trong 5 loại hình: Tạp chí (in hoặc điện tử), báo (in hoặc điện tử), phát thanh, truyền hình, video clip.

Tác phẩm dự thi là sản phẩm sáng tạo lần đầu, chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội tính đến thời điểm phát động. Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi cấp Trung ương bắt đầu từ ngày 6-2 đến hết ngày 15-7-2025. Lễ trao giải cuộc thi dự kiến được tổ chức vào tháng 10-2025.

8e96ba0dff8340dd1992.jpg
Quang cảnh buổi họp báo tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Cuộc thi được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang “tăng tốc”, “về đích” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng, kỷ niệm các sự kiện chính trị lớn của đất nước diễn ra trong năm 2025; thực hiện các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi mang tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng.

Cuộc thi cũng nhằm “phủ xanh” thông tin tích cực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng lưu ý: Cuộc thi lần thứ 5-năm 2025 đòi hỏi không chỉ đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về hình thức mà còn phải là diễn đàn huy động đông đảo sự tham gia của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, vừa nâng cao chất lượng cuộc thi, đảm bảo tính thuyết phục, tính chiến đấu, bám sát những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Cùng với việc tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động của các lực lượng nòng cốt, huy động sự tham gia dự thi của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cần chú ý quán triệt và tổ chức tốt việc dự thi một cách chủ động, tích cực, có chất lượng của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông, đoàn viên, thanh niên, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.

Ban Chỉ đạo Cuộc thi cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến, tác phẩm dự thi tâm huyết, khách quan, khoa học của các học giả, trí thức, nhà nghiên cứu là người Việt Nam ở nước ngoài và của những người nước ngoài yêu mến Việt Nam, góp phần khẳng định và lan tỏa hình ảnh một Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển, luôn nỗ lực vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đóng góp tích cực vào hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ của nhân loại.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo 35 Trung ương cũng đề nghị chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm dự thi trên nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa “xây” và “chống”. Nội dung tác phẩm cần phản ánh sinh động thực tiễn, có lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, luận điểm, luận cứ rõ ràng, luận chứng xác đáng, thuyết phục; tránh tuyên truyền, phổ biến, đấu tranh, phản bác một chiều.

Đồng thời, cần quan tâm thỏa đáng đến hình thức, cách thức trình bày, thể hiện để phát huy cao nhất ưu thế của mỗi loại hình báo chí, truyền thông, bảo đảm tính sinh động, hiện đại, thuyết phục và độ lan tỏa cao…

Có thể bạn quan tâm