Pháp luật

Tin tức

Bị truy tố thêm 2 vụ án, ông Nguyễn Đức Chung sẽ đối mặt bao nhiêu năm tù?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bị tuyên 1 bản án 5 năm tù vào cuối năm 2020. Ông Chung vừa bị truy tố liên tiếp ở 2 vụ án và ông này sẽ sớm đối mặt với những bản án tiếp theo.


Cao nhất đến 5 năm tù vụ các gói thầu số hóa

Ngày 21/9/2021, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố ông Nguyễn Đức Chung và một số bị can khác ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử trong vụ án liên quan những sai phạm ở các gói thầu số hóa năm 2016, 2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 1, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cùng bị truy tố với ông Chung là nhiều cựu cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, một số lãnh đạo các công ty tư nhân khác.


 

 Ở vụ án liên quan các sai phạm trong các gói thầu số hóa do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, khung hình phạt theo tội danh truy tố cao nhất mà ông Chung có thể sẽ phải nhận là 5 năm tù. (Ảnh: Thành An)
Ở vụ án liên quan các sai phạm trong các gói thầu số hóa do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, khung hình phạt theo tội danh truy tố cao nhất mà ông Chung có thể sẽ phải nhận là 5 năm tù. (Ảnh: Thành An)


Ở vụ án liên quan các gói thầu số hóa này, ông Chung bị cáo buộc đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định.

Sau khi dừng thầu, ông đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố, trong khi thời điểm hiện tại thành phố vẫn chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu, trúng thầu.

Đồng thời, cơ quan truy tố cũng cáo buộc Công ty Minh Hoa do vợ ông Chung làm Giám đốc đã ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường, có cơ sở xác định là hợp đồng khống để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi phạm tội xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ áp dụng văn bản pháp luật vào thời điểm đó.

Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật đến 1/1/2018, bởi vậy, trường hợp hành vi vi phạm pháp luật được xác định trong khoảng thời gian có hiệu lực của văn bản pháp luật này thì sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 để giải quyết.

Với hành vi vi phạm pháp luật xảy ra sau 1/1/2018 thì sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.


 

Cơ quan truy tố xác định ông Nguyễn Đức Chung phạm tội trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực và điều khoản truy tố ông này ở Bộ luật Hình sự năm 1999 có lợi hơn so với điều khoản truy tố ở Bộ luật Hình sự năm 2015, nên truy tố cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội theo Bộ luật Hình sự năm 1999. (Ảnh: B.Đ)
Cơ quan truy tố xác định ông Nguyễn Đức Chung phạm tội trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực và điều khoản truy tố ông này ở Bộ luật Hình sự năm 1999 có lợi hơn so với điều khoản truy tố ở Bộ luật Hình sự năm 2015, nên truy tố cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội theo Bộ luật Hình sự năm 1999. (Ảnh: B.Đ)


Với nguyên tắc như vậy nên Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Chung có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Sở kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội và đối với việc mua chế phẩm Redoxy 3C xử lý nước hồ ở Hà Nội nhưng lại áp dụng hai điều luật khác nhau ở hai bộ luật khác nhau.

Ở vụ án này, ông Chung bị truy tố theo khoản 1, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999. Quy định về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" này như sau:

"Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng".

Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, khung hình phạt mà ông Nguyễn Đức Chung đang bị truy tố có mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại khoản 1, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

"Việc ông Chung có phạm tội hay không sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở thủ tục tranh tụng công khai tại phiên tòa tới đây. Đối với khoản 1 của tội danh này thì có 2 loại hình phạt là cải tạo không giam giữ và phạt tù có thời hạn. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, tùy thuộc vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà tòa án sẽ quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm" - luật sư Cường viện dẫn.
Đối mặt có thể đến 15 năm tù ở vụ mua bán Redoxy 3C

3 ngày sau, tức ngày 24/9/2021, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng số 50, truy tố ông Chung và 2 bị can khác ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử.

Cả 3 người này bị truy tố trong vụ án liên quan đến việc mua sắm, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội.

Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.


 

Còn trong vụ mua bán, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất theo khung hình phạt là 15 năm tù. (Ảnh: Bảo Trân/NLĐ)
Còn trong vụ mua bán, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất theo khung hình phạt là 15 năm tù. (Ảnh: Bảo Trân/NLĐ)


Trong vụ án này, ông Chung bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, tạo lợi nhuận cho Công ty Arktic là công ty gia đình nên việc mua bán chế phẩm Redoxy 3C phải thông qua Công ty Arktic.

Ông Chung đã cho Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic tham gia như là cán bộ của UBND TP.Hà Nội xuyên suốt quá trình tham quan, thử nghiệm, mua bán chế phẩm Redoxy 3C, qua đó Công ty Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm, bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội, mặc dù chế phẩm được thiết kế đặc biệt theo đơn đặt hàng của UBND TP.Hà Nội.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội còn chỉ đạo yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm, chưa có cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm.

 

Trước đó, vào cuối năm 2020, ông Chung đã bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên mức án 5 năm tù về tội
Trước đó, vào cuối năm 2020, ông Chung đã bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên mức án 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước". (Ảnh: TTXVN)


Ông này cũng ban hành thông báo số 308 ngày 20/8/2016 chỉ đạo việc đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ công ty nước ngoài, nhưng lại chỉ đạo cho Giám đốc Công ty Thoát nước không mua trực tiếp chế phẩm từ công ty nước ngoài để được giá mang lợi ích cho thành phố, mà lại mua qua Công ty Arktic, mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (nơi gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ).

Ông Chung cũng bị cáo buộc chỉ đạo vào quá trình tạm ứng tiền mua, bán chế phẩm Redoxy 3C.

Với hành vi của mình, ông Chung bị truy tố theo khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Luật sư Đặng Văn Cường trích dẫn, quy định của Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau: "Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo nội dung truy tố, ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị xét xử theo khoản 3, Điều 356 với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

"Như vậy, mức cao nhất của hai tội danh bị đề nghị xét xử lần này theo quy định của pháp luật có tổng hình phạt tới 20 năm tù. Trong trường hợp toà án kết án mà ông Chung phạm nhiều tội ở nhiều vụ án khác nhau thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc mức hình phạt tù có thời hạn sẽ không quá 30 năm" - luật sư Đặng Văn Cường nói.

"Ngoài ra, với chính sách khoan hồng, nhân đạo thì tòa án cũng có thể xét xử nhẹ hơn mức hình phạt mà viện kiểm sát truy tố, xét xử dưới khung hình phạt" - vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nói thêm.

 

Trưa 11/12/2020, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án ông Nguyễn Đức Chung trong vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Ông Chung bị truy tố tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự. Cùng bị truy tố với ông Chung ở vụ án này còn 3 bị cáo khác.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thể hiện, quá trình điều tra vụ án "Buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu", xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (gọi tắt là vụ án Công ty Nhật Cường), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án nêu trên, ông Chung đã thông qua một người thứ ba để làm quen với bị cáo Phạm Quang Dũng (thời điểm đó là cán bộ Phòng 8, C03, Bộ Công an) - người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Nhật Cường. Sau khi bị cáo Chung đề nghị, bị cáo Dũng đồng ý và nhiều lần cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường thuộc danh mục bí mật Nhà nước (ở mức độ "Mật").

Để thực hiện kế hoạch, quá trình tham gia vụ án, bị cáo Phạm Quang Dũng đã dùng điện thoại chụp lại các tài liệu bản thân được tiếp cận hoặc chụp trộm lại các báo cáo liên quan đến vụ án.

Sau đó, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị cáo Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu có liên quan vụ án Công ty Nhật Cường.

Kết quả điều tra xác định, bị cáo Dũng đã 5 lần thu thập 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước (ở mức độ "Mật") liên quan vụ án Công ty Nhật Cường rồi 2 lần chuyển cho bị cáo Chung 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật".

Sau nửa ngày xử kín, tòa quyết định tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội 5 năm tù. Theo khung hình phạt như ông Chung bị truy tố, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm tù.

https://danviet.vn/bi-truy-to-them-2-vu-an-ong-nguyen-duc-chung-se-doi-mat-bao-nhieu-nam-tu-20211003011222228.htm

Theo PHẠM HIỆP (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm