Chính trị

Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Tri ân thế hệ đi trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2023), sáng 14-10, tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh (xã Krong, huyện Kbang), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy long trọng tổ chức lễ khánh thành Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai thời kỳ 1970-1975. Đây là công trình ghi nhận cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Kiểm tra Tỉnh ủy qua các thời kỳ, đồng thời thể hiện tình cảm, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước.

Dự lễ khánh thành, về phía UBKT Trung ương có đồng chí Đoàn Minh Tài-Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn V. Về phía tỉnh có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; cán bộ, công chức cơ quan UBKT Tỉnh ủy qua các thời kỳ; các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp ủy, UBKT các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Tri ân thế hệ đi trước

Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan UBKT Tỉnh ủy qua các thời kỳ cùng ôn lại truyền thống tốt đẹp, hồi tưởng những ký ức một thời gian khó, gắn bó, thủy chung tại Khu căn cứ cách mạng của tỉnh. Đó là thời điểm tháng 6-1970, Tỉnh ủy ra nghị quyết thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 6 thành viên, do đồng chí Trần Văn Bình-Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban.

Sau đó, lần lượt các Huyện ủy, Thị ủy thành lập ban kiểm tra do bí thư hoặc phó bí thư, thường vụ cấp ủy làm trưởng ban. Từ đó đến nay, trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Kiểm tra Đảng tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Có mặt tại sự kiện có ý nghĩa quan trọng, bà Huỳnh Thị Sáu (phường Hoa Lư, TP. Pleiku)-cán bộ công tác trong thời kỳ đầu thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh ủy không khỏi xúc động. Bà hồi tưởng: “Năm 1970, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy được thành lập chỉ có 6 đồng chí nên gặp nhiều khó khăn trong công tác. Cuộc sống thiếu thốn, chiến tranh ác liệt nhưng các đồng chí đã yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua tháng ngày gian khó. Đồng bào Bahnar ở các làng gần cơ quan Ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đùm bọc, chở che đầy nghĩa tình, ủng hộ từng mớ rau, củ mì, túm gạo giúp chúng tôi an tâm vượt khó khăn, không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Hôm nay trở về thăm lại chiến trường xưa, tôi càng tự hào hơn khi thấy sau gần 50 năm từ ngày giải phóng, đội ngũ cán bộ UBKT Tỉnh ủy không ngừng lớn mạnh, dày dạn và có nhiều kinh nghiệm về công tác kiểm tra”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh (tổ 9, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: “Công trình Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy hoàn thành không chỉ đáp ứng tâm nguyện của chúng tôi mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với một thế hệ từng gắn bó với khu căn cứ. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy

Nhằm tôn vinh và thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước, đầu tháng 3-2023, UBKT Tỉnh ủy đã khởi công xây dựng công trình Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thái Thanh Bình: Sau hơn 7 tháng khẩn trương xây dựng, công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc. Công trình có diện tích xây dựng hơn 600 m2 nằm trong khuôn viên có diện tích hơn 4.000 m2. Bia di tích cao 2,8 m, rộng 1,87 m, được chạm khắc bằng đá tự nhiên nguyên khối.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thái Thanh Bình khẳng định: “Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả, giá trị của công trình này, cùng với các công trình bia di tích trong Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường và tình yêu quê hương, đất nước”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, trước đây được gọi là Căn cứ địa cách mạng Khu 10-một địa điểm quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Gia Lai. Nơi đây, những cơ quan đầu não của tỉnh đã đứng chân trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước ác liệt. Đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Gia Lai giai đoạn 1955-1975, là nơi thể hiện “tình quân dân cả nước” sâu sắc, đầy đủ và trọn vẹn nhất.

Trong suốt 20 năm (1955-1975), từng tập thể cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đã bám trụ, dựa vào dân, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức Nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thái Thanh Bình trao thư cảm ơn và quà lưu niệm cho các đơn vị, tổ chức và người dân tham gia đóng góp xây dựng công trình Bia Di tích. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thái Thanh Bình trao thư cảm ơn và quà lưu niệm cho các đơn vị, tổ chức và người dân tham gia đóng góp xây dựng công trình Bia Di tích. Ảnh: Đức Thụy

Ghi nhận công lao, sự cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, tháng 5-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương để các cơ quan, ban, ngành tỉnh xây dựng bia di tích của cơ quan, đơn vị mình ở Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Từ đó đến nay, 9 cơ quan, đơn vị đã xây dựng bia di tích tại đây gồm: Ban An ninh, Ban Kinh tài, Ban Tuyên huấn, Tỉnh Đoàn, Hội Phụ nữ, Mặt trận, HĐND và UBND cách mạng tỉnh Gia Lai, lực lượng giao lưu B3, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Điều này cho thấy việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Bia di tích Ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Để xứng đáng với những giá trị lịch sử cách mạng to lớn mà thế hệ cha anh để lại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan đã xây dựng bia di tích tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh nói chung, UBKT Tỉnh ủy nói riêng thời gian đến cần tiếp tục tăng cường quản lý, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị lịch sử của các công trình, để toàn thể Khu di tích là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Cùng với đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp cần sớm triển khai tu sửa, nâng cấp tuyến đường từ đường Trường Sơn Đông vào xã Krong nhằm tạo thuận lợi cho các đoàn đến tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm