Pháp luật

Tin tức

Biên cương Xuân đến sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa Tết, nhưng không khí xuân đã phảng phất nơi miền biên thùy khi những cánh rừng khộp thi nhau thay lá. Và trong câu chuyện không đầu không cuối của những chiến sĩ biên phòng, thỉnh thoảng đã chen vào những từ mào đầu: “Tết này…”…

Chuyện những người “đứng chốt”

Sớm ở chốt Bắc đồn biên phòng Ia Kla (Đức Cơ, Gia Lai) ngày cận tết. Xéo trước hiên chốt, một vài nhánh lan rừng thô mộc trồng trong những chậu đất nhỏ treo lủng lẳng vẫn còn vương mùi rừng thẳm đã bắt đầu vươn những nhánh đầy nụ. “Khó lắm mới có được một chậu lan nở hoa vào đúng dịp tết. Ép mai thì dễ chứ còn lan thì hoang dã và… bất trị như rừng”- một người bạn đồng hành đã buột miệng rất hình ảnh như vậy.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ biên phòng Ia Kla (Đức Cơ). Ảnh: Kim Linh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ biên phòng Ia Kla (Đức Cơ). Ảnh: Kim Linh

“Chốt chỉ còn có 3 người vì vừa rồi, có 2 chiến sĩ ra quân, chưa kịp bổ sung người nên mọi việc cả 3 thay nhau quản hết. Đồn đảm nhiệm đoạn biên giới dài 6 km với 3 cột mốc 27 (1, 2) và 28; từ chốt Bắc sang Campuchia rất gần, chỉ trên dưới 1 km, vì thế mà những ngày cận tết này, càng phải tăng cường đi kiểm tra, tuần tra dọc tuyến đường tuần tra biên giới đang thi công dở dang, rồi tuần tra khu vực”- Thiếu úy Lê Đức Chất- Chốt trưởng điềm đạm cho biết. Hai chiến sĩ trẻ Bùi Tuấn Anh và Nguyễn Văn Tuấn mới lên chốt được vài tháng. Khuôn mặt trẻ măng có vẻ đã được chuẩn bị tinh thần kỹ càng cho những tháng ngày xa nhà, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang, khi được nhân dân, tổ quốc đặt lên vai trách nhiệm gìn giữ bình yên nơi biên ải. Lần đầu tiên đón tết xa nhà, xa người thân, “ai mà không buồn hả chị, nhưng mình là linh biên phòng mà…”- một chiến sĩ trẻ thổ lộ.

Cái khó, khổ của lính biên phòng thì ai cũng biết, nhưng cái khó cái khổ và cái thiếu thốn của những người đứng chốt lại càng nhiều hơn. Trung tá Nguyễn Chí Thiết, quê ở Sơn Tây, nơi xứ Đoài mây trắng là người có thâm niên đứng chốt khi còn ở Đồn biên phòng Ia Lốp (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai). Anh kể, là đồn mới thành lập chưa lâu, thuộc diện khó khăn nhất và nằm ở nơi khá xa trung tâm dân cư, và gần như lọt thỏm trong rừng. Đồn có 2 chốt: chốt Suối Đen và chốt Ngầm 1. Chốt Suối Đen nằm đối diện đồn 703 (thuộc lực lượng công an) và chốt 42 (lực lượng quân đội) của Campuchia; còn chốt Ngầm 1 sát xã Ia Lốp (huyện Ea Sup, tỉnh Đak Lak). Những ngày giáp tết, cán bộ, chiến sĩ thường tổ chức mời các đồn bạn sang dự bữa cơm thân mật. Đến tết của họ, họ cũng lại mời mình như thế. “Nhưng điều khiến anh em ở đây những ngày cuối năm lòng lại chộn rộn hơn bao giờ, thậm chí hơn cả các chiến sĩ ở đồn khác là bởi quanh đồn mai rừng nhiều vô kể. Cứ tới mùa này, mai bắt đầu hé nụ, không hiếm những cây mai vội vàng nở sớm vàng rực cả một góc rừng. Nhớ tết ở nhà ghê gớm!”. Có những người dẫu đã dạn dày sương gió, không ít lần đối mặt với nguy hiểm nhưng trước sự vội vàng của đất trời đã không kìm được lòng, cố nuốt nghẹn vào trong để ngăn những giọt nước mắt chỉ chực trào ra.

“Nhớ lắm cái Tết gia đình”

Đêm ở đồn biên phòng Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Rừng như càng thâm u, bất tận dưới những ánh sao ken dày. Gió đêm lành lạnh khiến mọi người như gần nhau hơn. Cuộc trò chuyện nơi biên cương càng rôm rả. Chuyện cứ ăm ắp xoay quanh nhiệm vụ, gia đình, vợ con, làng xóm, và cả những ước vọng riêng tư. Đằng sau những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên của các anh, tôi đoán, có lẽ các anh đang nhớ nhà, nhớ vợ, người thân lắm. Với những người lính đang làm nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng đất biên cương này, thử thách lớn nhất chính là… vượt lên chính mình. Binh nhất La Triệu Long- người dân tộc Tày, quê tận Cao Bằng chưa “chính thức” có người yêu, nhưng tuổi 18, cậu cũng đã biết cảm xúc của những rung động đầu đời. Những ngày tết vùng Tây Bắc, trời lạnh đến đôi má của những cô gái ửng hồng như trái chín, đôi tay co ro giúi vào trong túi áo. Thích nhất là được ngắm hoa mận, hoa đào nở khắp rừng. Long cùng bạn bè- và có cả ánh mắt lấp lánh làm cậu bắt đầu biết nhớ- lại dạo khắp bản, nhà này một tí, nhà kia một tí. Rồi cả nhóm lại nhập vào hội ném còn. “Hội ném còn bắt đầu từ mùng một đến hết ngày rằm tháng giêng. Ngày cuối cùng vui nhất, mọi người ném còn cho tới khi trời tối, tới khi không còn nhìn thấy quả còn mới chịu giải tán. Một năm rồi, em chưa được thấy quả còn…”. Cũng là một năm rồi, cậu chỉ được nói chuyện với người thân, với ánh mắt lấp lánh kia... qua điện thoại.

Một lần được “bám càng” tuần tra trên sông Pô Kô. Ảnh: Đức Thụy
Một lần được “bám càng” tuần tra trên sông Pô Kô. Ảnh: Đức Thụy

Đêm chợt bùng lên những âm thanh ghi-ta đầy lôi cuốn của một chiến sĩ. Dường như với bất cứ cán bộ, chiến sĩ biên phòng nào, chiếc đàn đã trở thành người bạn thân thiết mà mọi tâm sự không cần phải thổ lộ bằng những lời nói có âm có vần. Hầu hết các đồn biên phòng, chiến sĩ trẻ chiếm đến quá nửa quân số. Tối đến, những người lính trẻ này không thiếu tiếng hát, tiếng đàn. Tình đồng chí đồng đội được nhân lên, anh em hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau hơn và yêu thương nhau hơn, nhiều giọng ca vàng cũng được “phát hiện”. Như anh chàng Trung úy Ksor Thạch- đồn biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ). Giọng hát trầm ấm, đầy lửa và những ngón đàn điêu luyện, anh đã làm say mê bao trái tim hậu phương trong những chuyến thăm đồn. Hình như những hậu duệ của chàng Đam San ngang tàng hầu như ai cũng biết hát, biết đàn để những nàng Hơ Nhí, Hơ B’Hí sau này say mê lưu luyến. Tất cả chợt lặng phắt khi một giọng hát cất lên, da diết: “Rừng chiều biên giới bao la/ Ngồi bên con suối ngân nga/Có người chiến sĩ hát/Với cây đàn ghi-ta…”.

Nhiều chuyến lên biên giới, tôi có cơ hội để được gần những người lính biên phòng ở góc nhìn gần nhất. Gắn bó với biên giới, với người dân còn khổ cực nơi đây, ngoài những giây phút hiếm hoi dành để nhớ nhà, nhớ vợ con, bố mẹ, hầu như các anh chẳng nghĩ gì cho bản thân. “Chỉ mong sao đời sống của bà con vùng biên ngày càng được cải thiện. Do cuộc sống thiếu thốn, khó khăn quá nên bà con mới bị bọn xấu lợi dụng”- Trung tá Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nói. Và cũng bởi vậy mà thượng úy Lê Văn Tân- nhân viên Quân khí đồn biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) đã bật khóc trước phút giao thừa xuân Kỷ Sửu khi trước mắt anh là sự xuất hiện của vợ và hai con. Cả đêm hôm ấy, vợ chồng, con cái anh quay quần bên nhau. “Lâu lắm rồi gia đình tôi mới có đủ các thành viên như thế. Các con tôi vui lắm, chúng cứ xoắn xuýt bên bố, rủ bố cùng thức qua 12 giờ đêm để đón giao thừa. Ước gì năm nay, chúng tôi cũng được như thế, nhưng có lẽ cũng nên… để phần cho các chị khác”-chị Trần Thị Hoa, vợ anh Tân bày tỏ.

Kim Linh


Có thể bạn quan tâm