Kinh tế

Tài chính

Biên giới giữa các quốc gia xuất hiện trở lại, Việt Nam cần rất nỗ lực để vượt bẫy thu nhập trung bình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dù đạt được nhiều thành công về kinh tế và FDI, nhưng Việt Nam đối diện với quá nhiều thách thức từ cả nội tại và bối cảnh chung của thế giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn.



Cho phép thử nghiệm chính sách mới

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 tổ chức ngày hôm nay (19/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét những năm gần đây kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành công.

Cụ thể, GDP của Việt Nam tăng trưởng cao ổn định, FDI tăng không ngừng trong nhiều năm. Tổng FDI từ năm 2011 đến hết năm 2018 đạt 200 tỷ USD. Nền kinh tế có độ mở lớn, tính đến hiện tại ở mức 200% GDP. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018, và hiện đứng thứ 42 trong 129 nền kinh tế được xếp hạng...

Tuy nhiên, không phải tất cả đều chỉ là thành công mà Việt Nam còn đối diện với không ít thách thức.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi bất thường, trong đó phải kể đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; ngoài ra phải kể đến cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều tiến bộ công nghệ lớn chưa từng có làm thay đổi cách thức vận hành của nhiều nền kinh tế, vì vậy các nước cần phải vô cùng nhanh nhạy mới có thể thích nghi được.

Trước những thách thức trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Việt Nam cần phải rất nỗ lực để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Với tham vọng mang đến sự thịnh vượng cho nền kinh tế, Việt Nam cần có những điều chỉnh về định hướng.

Cụ thể Việt Nam cần phải phát triển kinh tế thị trường hội nhập, tạo điều kiện cho nhiều mô hình kinh doanh mới, cho phép thử nghiệm chính sách mới, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường kết nối 5G, phát triển năng lượng sạch, nâng cao năng lực chuyển đổi, xây dựng thể chế chính sách.

Ngoài ra Việt Nam cần phải tập trung phát triển công nghệ có tính ứng dụng cao, phát triển các ngành vẫn còn dư địa phát triển lớn, tạo điều kiện để mọi người dân phát huy năng lực.

Biên giới giữa các quốc gia đang xuất hiện trở lại

Tại diễn đàn, trong bài phát biểu khai mạc, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione cho rằng thế giới đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó ông Dione nhấn mạnh rằng biên giới giữa các quốc gia đang xuất hiện trở lại, căng thẳng thương mại leo thang, công nghệ thay đổi chóng mặt và nhiều công nghệ mới đang hình thành phát triển ví như công nghệ robot, công nghệ in 3D.

Về phía Việt Nam, bản thân kinh tế Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều yếu tố nội tại bao gồm dân số già hóa, tỷ lệ hình thành vốn thấp, suy thoái vốn tăng, năng suất lao động chưa cao; chính vì vậy Việt Nam cần đến nhiều cải cách táo bạo mạnh dạn.

Theo ông Dione, Việt Nam trước tiên cần phải tìm cách giải quyết điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại. Việt Nam cần cố gắng tăng được năng suất lao động lên ngưỡng chung của toàn cầu, tăng trưởng dựa vào cong nghệ.

Thứ hai, Việt Nam cần phải tiến hành cải cách thể chế, nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho sự phát triển của nhóm doanh nghiệp tư nhân.

Xét đến vấn đề cải cách thể chế, tiến sỹ Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ ra Việt Nam cũng đã có những thành công nhất định về cải cách thể chế. Theo ông Sinh, môi trường đầu tư kinh doanh đã có chuyển biển rõ nét; quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hôi kinh doanh được cải thiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm từ 267 ngành vào năm 2014 xuống 243 ngành vào năm 2016.

Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng cao. Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 88/183 vào năm 2010 lên vị trí 69/190.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể coi như thành công quan trọng, tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Alwaleed Alatabani, Việt Nam cũng nên cẩn trọng.

Ông Alatabani nhấn mạnh dòng vốn đổ vào Việt Nam từ năm 2015 có thể coi như tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên cần tăng cường kết nối khu vực tư nhân trong nước với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dòng vốn gián tiếp ra/vào còn hạn chế. Những nguồn vốn mới ổn định tiềm năng để hỗ trợ phát triển thông qua những nhà đầu tư tổ chức toàn cầu (công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí).

 

TRUNG MẾN (BizLIVE)

Có thể bạn quan tâm