Như báo Lao Động đã phản ảnh ngày 19.11 vừa qua, công trình xây dựng nhà xe rộng hơn 3.100m2 "mọc" không phép bên hành lang quốc lộ ở tỉnh Đắk Lắk. Mới đây khu đất này lại được phát hiện, một phần diện tích chuyển đổi sai quy hoạch, biến đất trồng cây xanh công cộng, thành đất sản xuất kinh doanh mục đích sử dụng đất. Khó xử là người liên quan trước đó, lại là cán bộ xử lý hậu quả hiện nay !
Nhà xe Tiến Oanh ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phan Tuấn |
Quá trình chuyển đổi đất quy hoạch
Trở ngược thời gian, ngày 6.3.2018, ông Lê Duy, ở xã Ea Ktur, nộp đơn xin chuyển 300m2 từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho UBND huyện Cư Kuin. Các thửa đất ông Duy xin chuyển đổi là 9774, 9775, 9776, tờ bản đồ số 40 với tổng diện tích 1.613m2.
Rất nhanh chóng, một ngày sau (7.3), ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cư Kuin ký tờ trình (số 159/TTr-PTNM) về việc đề nghị cho phép ông Lê Duy chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
"Sau khi đã kiểm tra hồ sơ địa chính, đối chiếu với kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của UBND huyện Cư Kuin được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định (số 3706/QĐ-UBND ngày 29.12.2017) thì khu đất xin chuyển mục đích phù hợp với kế hoạch sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp" - văn bản số 159 nêu rõ.
Sau đó ít ngày (12.3.2018), ông Võ Tấn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin đã ký văn bản số 256/QĐ-UBND về việc cho phép ông Lê Duy chuyển mục đích sử dụng 300m2 từ các thửa đất nông nghiệp nêu trên để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Thời hạn sử dụng đất sau khi được chuyển nhượng mục đích sử dụng đất là 50 năm. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ trích lục bản đồ địa chính (số 312/TLCT-VPĐK). Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cư Kuin và Phòng Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính, xác định cụ thể mốc giới, giao đất trên thực địa, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định...
Như vậy, sau khi được UBND huyện Cư Kuin đồng ý cho chuyển đổi mục đích thì ông Duy chỉ cần hoàn thành thêm thủ tục nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.
Ba thửa đất này sau đó đã được ông Lê Duy bán cho bà Lê Thị Kim Oanh. Ngoài ra, Bà Oanh còn nhận thêm thửa đất của ông Bùi Anh Tuấn và ông Lê Quốc Hùng nâng diện tích lô đất lên 2.657m2; trong đó, có 480m2 đất kinh doanh phi nông nghiệp để làm nhà xe.
Sau khi nhận chuyển nhượng các lô đất, bà Lê Thị Kim Oanh đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình nhưng không được cấp phép xây dựng.
Tiền hậu bất nhất
Mới đây, tại văn bản thông báo kết luận (số 52/TB-UBND) ngày 10.3.2021 của ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin lại thể hiện việc tiền hậu bất nhất so với thời điểm tháng 3.2018 khi ông này đang giữ cương vị chức Phó Chủ tịch UBND huyện.
Cụ thể, tại văn bản này, qua đối chiếu với các quy hoạch cho thấy, việc chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là phù hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy hoạch chi tiết 1/500 của đô thị Trung Hòa thì trong 480m2 đất sản xuất kinh doanh thì có 300m2 quy hoạch đất trồng cây xanh.
Trao đổi với phóng viên chiều 22.11, ông Võ Tấn Huy cho rằng, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 thì, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất kinh doanh phi nông nghiệp là phù hợp.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị không có thống nhất thì huyện đã họp kiểm điểm, yêu cầu các đơn vị liên quan điều chỉnh cho phù hợp.
"Hiện nay, quy hoạch đô thị Trung Hòa đang trong giai đoạn điều chỉnh. Sắp tới việc điều chỉnh đô thị Trung Hòa nếu như không phù hợp với việc chuyển đổi sử dụng đất của các lô đất thì huyện sẽ xử lý theo quy định" - ông Huy khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Huyện ủy Cư Kuin cho biết, hiện nay, UBND huyện Cư Kuin chưa xử lý kỷ luật cán bộ theo quy định. Việc này UBND huyện cũng chưa có báo cáo chính thức lên cấp trên.
PHAN TUẤN (LĐO)