Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Bình Định có 55 trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ cho thấy, trong kỳ kiểm tra, Bình Định có 55 trường hợp bổ nhiệm còn thiếu tiêu chuẩn.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng (từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2017).
Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ cho thấy, trong kỳ kiểm tra, Bình Định có 55 trường hợp bổ nhiệm còn thiếu tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (đến nay, đa số đã được cử đi đào tạo bổ sung hoặc có kế hoạch đào tạo).
Về chuyển đổi vị trí công tác, tính đến ngày 31/12/2017, đã có 153 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ thấy việc ban hành văn bản chưa phù hợp quy định, cụ thể, tại Quyết định số 62/2017/QD-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh quy định khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh không áp dụng điều kiện chứng chỉ quản lý nhà nước đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp với quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 9/10/2014 và Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 của Bộ Nội vụ.
Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 28/2/2018 của UBND tỉnh có quy định, trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển, chỉ áp dụng với đối tượng đào tạo tại các trường công lập là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ.
Về công tác tuyển dụng công chức, viên chức, theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định chưa kịp thời tuyển dụng công chức qua hình thức thi tuyển mà chỉ xét tuyển một số ít công chức (không đủ chỉ tiêu biên chế đã được xét duyệt), nhất là tại UBND các huyện, dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị thiếu hụt nhân lực, phải ký hợp đồng lao động làm công việc thường xuyên.
Cùng với đó, việc công khai, minh bạch trong tuyển dụng công chức, viên chức đối với một số đơn vị thực hiện công khai không đầy đủ các hình thức bắt buộc phải công khai (UBND huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh); không có hồ sơ ghi nhận việc niêm yết công khai (UBND huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn).
UBND tỉnh chậm xử lý đối với kết quả tuyển dụng viên chức sự nghiệp công lập của huyện Vĩnh Thạnh.
Về chuyển đổi vị trí công tác, Sở Nội vụ chưa tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của các cơ quan, đơn vị và xây dựng kế hoạch, kiểm tra việc thực hiện theo quy định.
Năm 2016, UBND tỉnh có ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác nhưng nhiều ngành, địa phương không xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, hoặc có xây dựng nhưng không phê duyệt danh sách, vị trí chuyển đổi; không tổ chưc thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt hoặc có thực hiện nhưng còn hạn chế về số lượng, chưa đảm bảo thủ tục theo quy định...
Cơ quan thanh tra cũng đánh giá Sở Nội vụ tỉnh Bình Định chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác; chưa thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp số liệu của các cơ quan, đơn vị về việc chuyển đổi vị trí công tác; không có báo cáo kết quả về việc chuyển đổi vị trí công tác trên địa bàn toàn tỉnh.
Trí Anh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm