Xã hội

Từ thiện

"Blouse trắng" hiến máu cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với đội ngũ tình nguyện viên, nhiều y-bác sĩ ở tỉnh ta cũng sẵn sàng hiến máu cứu người. Bởi lẽ, hơn ai hết, họ hiểu rõ rằng người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được tiếp máu kịp thời.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) và Ngày thành lập ngành Y tế Gia Lai (2-3) năm nay, ngành Y tế tỉnh gác lại tất cả các hoạt động kỷ niệm để tập trung toàn lực cho công tác phòng-chống dịch Covid-19. Duy chỉ có hoạt động hiến máu tình nguyện là vẫn được lãnh đạo ngành đồng ý để Công đoàn ngành Y tế phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức vào ngày 25-2 bởi đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhất là trong tình hình máu cấp cứu và điều trị cho người bệnh có nguy cơ thiếu hụt. Chương trình hiến máu được tổ chức nhanh gọn. Kết quả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thu được 100 đơn vị máu an toàn.
Cán bộ, nhân viên y tế tham gia chương trình hiến máu tình nguyện “Giọt hồng blouse trắng” ngày 25-2. Ảnh: N.N
Cán bộ, nhân viên y tế tham gia chương trình hiến máu tình nguyện “Giọt hồng blouse trắng” ngày 25-2. Ảnh: N.N

Mặc dù công việc bận rộn, nhất là trong thời điểm toàn ngành tập trung cho công tác phòng-chống dịch bệnh nhưng cán bộ, nhân viên y tế vẫn dành thời gian tham gia hiến máu tình nguyện. Chị Ngô Thị Thu Loan (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) vui vẻ cho biết: “Đây là lần thứ 12 tôi tham gia hiến máu tình nguyện. Ngoài tôi còn có 8 anh chị em cùng cơ quan tham gia. Tôi hiểu rõ việc hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lại giúp cứu sống người bệnh nên hễ có dịp là tôi lại xung phong”.

Không chỉ tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện, nhiều nhân viên y tế còn sẵn sàng hiến máu khẩn cấp khi bệnh nhân cần. Nằm trong đội máu lưu động của Bệnh viện Nhi Gia Lai nên hễ Bệnh viện huy động là chị Nguyễn Thị Hiền-nhân viên kế toán-lập tức có mặt. Chị kể: Làm ở Bệnh viện nên việc hiến máu khẩn cấp cho bệnh nhân không phải là chuyện hiếm. Nhiều trường hợp nếu không tiếp máu kịp thời thì tính mạng người bệnh có thể nguy kịch, thậm chí mất mạng. Vì vậy, trong tình huống nguy cấp thì nhân viên y tế sẽ luôn đi đầu để cứu chữa kịp thời cho người bệnh. “Cuối tháng 8-2019, Bệnh viện có ca cấp cứu cho một bệnh nhi dưới 1 tuổi cần máu khẩn cấp. Biết mình có nhóm máu phù hợp, tôi đã tình nguyện hiến máu và rất vui vì cháu bé sau đó đã qua cơn nguy kịch. Không chỉ tôi mà các nhân viên y tế khác trong Bệnh viện cũng sẵn sàng hiến máu cứu người. Đặc biệt là các thành viên trong đội hiến máu lưu động, khi bệnh nhân cần thì chúng tôi sẵn sàng có mặt bất kể giờ giấc”-chị Hiền nói.
Nhờ các y-bác sĩ hiến máu, bệnh nhân Đinh Yưng đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: N.N
Nhờ các y-bác sĩ hiến máu, bệnh nhân Đinh Yưng đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: N.N
“Máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”. Hiểu rõ điều đó nên trong những tình huống khẩn cấp, các y-bác sĩ sẽ là người tiên phong. Trường hợp bệnh nhân Đinh Yưng (SN 2004, trú làng Păng Roh, xã Al Bá, huyện Chư Sê) là một điển hình. Cuối tháng 10-2019, trên đường về nhà thì Đinh Yưng va chạm với xe công nông. Sau đó, anh Yưng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng choáng do gãy xương chậu, gãy phức tạp đùi phải và trái, gãy hở cẳng chân trái… Bệnh nhân được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật. Không chần chờ, các y-bác sĩ đã tình nguyện hiến máu. Và đó là lần thứ 17 điều dưỡng viên Đinh Queo (Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình-Bỏng) hiến máu cho người bệnh. Nhưng khi nói về việc này, anh Queo cho rằng đó là việc nên làm. Không chỉ anh mà các đồng nghiệp khác cũng sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình để cứu sống người bệnh.
Trong năm 2019, Ngân hàng máu nóng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã huy động được 271 đơn vị máu khẩn cấp. Ngoài các tình nguyện viên thì có không ít y-bác sĩ tham gia. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Bệnh nhiệt đới) thông tin: “Khi có trường hợp cấp cứu cần tiếp máu khẩn cấp, chúng tôi sẽ ngay lập tức huy động. Đến nay, Bệnh viện có khoảng 200 tình nguyện viên thuộc các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện trong tỉnh sẵn sàng có mặt khi cần, trong đó có không ít nhân viên y tế”. Riêng bác sĩ Nhung cũng đã có đến 30 lần hiến máu tình nguyện. Chị chia sẻ: “Từ công việc thực tế, tôi hiểu máu cần thiết cho người bệnh như thế nào. Hơn nữa, việc hiến máu cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi tham gia thường xuyên. Như năm 2019, tôi đã 2 lần cho máu khẩn cấp để cứu chữa bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng. Chỉ cần sức khỏe đảm bảo, tôi sẽ tiếp tục hiến máu cứu người”-bác sĩ Nhung nói.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm