TN - Đất & Người

Bỏ 75 cây vàng mua đất chỉ để trồng hoa, ông nông dân Đà Lạt nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với hơn 75 cây vàng thời điểm năm 2000, ông Trần Ngọc Hòa (70 tuổi, Tổ dân phố Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chỉ mua được 5.000m2 đất chỉ để trồng hoa. Ông Hoà nói 75 cây vàng hồi đó to lắm, nhưng ông không hối tiếc.
Ông Trần Ngọc Hòa (70 tuổi, Tổ dân phố Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) nói không hối tiếc khi cách đây 20 năm bỏ ra 75 cây vàng mua đất chỉ để trồng hoa.
Bởi cho đến nay, sau nhiều năm canh tác, lão nông U70 này đã có trong tay 5ha trồng hoa cúc công nghệ cao, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi ha.
Từ mua 5.000m2 đất 75 cây vàng
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã tìm được đến nhà của ông Trần Ngọc Hòa. Ông Hòa được xem là một nông dân điển hình, tiên tiến trong nhiều năm của TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), 8 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương.
Đón phóng viên từ đầu con đường đá lởm chởm, ông Hòa dẫn chúng tôi đi dọc theo những dãy nhà kính cách đường chính dài hơn trăm mét. Những gian nhà kính tại Tổ dân phố Măng Line chủ yếu được người dân trồng hoa cúc các loại. Ông Hòa cũng không phải ngoại lệ, ông còn được xem là người tiên phong trồng hoa cúc tại tổ dân phố này.

Ông Trần Ngọc Hòa, lão nông được xem là người tiên phong trồng hoa cúc tại Tổ dân phố Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Ngọc Hòa, lão nông được xem là người tiên phong trồng hoa cúc tại Tổ dân phố Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
"Từ những năm 1997, tôi cùng vợ con ở tỉnh Thái Bình vào Đà Lạt với mong muốn lập nghiệp. Đến một vùng đất mới, xa lạ nên cả gia đình phải đi làm thuê kiếm sống. Thời điểm đó, gia đình tôi 7 người thường xuyên làm cho các nhà vườn trồng hoa cúc tại phường 8 (TP Đà Lạt). Ngoài ra, gia đình tôi còn thuê đất trồng rau, trồng hoa để tăng thêm thu nhập...", ông Hoà chia sẻ.
Đây được xem là cái nôi của nghề trồng hoa tại Đà Lạt với "làng hoa Hà Đông" – làng hoa đầu tiên được thành lập từ năm 1938 tại địa phương. 
Cũng tại đây, ông Hoà từ người làm thuê đã tích lũy được cho mình những kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc hoa cúc. Từ đó "nảy sinh" trong lòng ông Hoà một mong muốn được sở hữu riêng cho mình một khu vườn...
Dừng lại ở khu nhà kính trồng đầy hoa cúc đang chuẩn bị cho thu hoạch của mình, ông Hòa kể tiếp, năm 2000, trong một lần tình cờ đi tìm đất đã biết đến vùng đất Măng Line.
Thời điểm đó, tại Măng Line dân cư còn rất ít, những rặng cây thầu dầu vẫn còn dày đặc, mọc dọc theo các con đường đất bụi mù. Vì không tìm được đất như mong muốn nên ông Hòa đã quyết định cùng vợ con "kiếm" đất ở Măng Line lập nghiệp.

Ông Hòa chia sẻ với phóng viên về những năm tháng khó khăn của gia đình mình.
Ông Hòa chia sẻ với phóng viên về những năm tháng khó khăn của gia đình mình.
"Lúc tôi quyết định mua miếng đất hiện gia đình đang ở, các con tôi còn nói "Bố ơi, sao bố đưa chúng con lên rừng, chúng con không thích đâu". Thương vợ cùng các con nhưng tôi đã quyết và có ý tưởng trong đầu rồi nên quyết làm thôi. Lúc đó, từ số tiền tích cóp, vay mượn của người thân, bạn bè tôi chỉ mua được 5.000m2 đất trống. Giá thời điểm đó là 330 triệu đồng, tương đương khoảng 75 cây vàng...".

Những công nhân đang hái ngọn hoa cúc giống tại khu vườn của ông lão nông U70 Trần Ngọc Hòa.
Những công nhân đang hái ngọn hoa cúc giống tại khu vườn của ông lão nông U70 Trần Ngọc Hòa.
Thế nhưng, lúc đó TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chưa cho người ngoại tỉnh mua đất nông nghiệp. Chính vì vậy, ông Hoà phải nhờ một người cháu đứng tên để giúp mình mua đất canh tác", ông Hòa nhớ lại thời điểm khó khăn đó.
Cũng nhờ nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản, đến kinh nghiệm trồng hoa từ trước mà ông Hòa đã nhanh chóng "làm đẹp" cho khu vườn của mình. 
Với 5.000m2 đất, đến nay sau 20 năm, qua quá trình tích lũy, sự đồng thuận của cả gia đình, ông Hòa đã mua được 4ha đất tại Đa Phú và Măng Line. Toàn bộ diện tích đất này được gia đình ông làm nhà kính trồng hoa cúc công nghệ cao hiện đại và bền vững. 
Song song với việc trồng hoa cúc, ông Hòa cùng con trai là anh Trần Ngọc Hậu tự nhân giống hoa cúc sạch bệnh để cung cấp cho các hộ dân trong địa phương. Trung bình, mỗi tháng, anh Hậu cùng bố cung cấp cho người dân khoảng 2 triệu cây hoa cúc giống các loại.
Đến thu nhập 1,5 tỷ đồng/ha mỗi năm
Không giấu nổi niềm vui khi được Hội đồng chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020", ông Hòa cho hay: "Công việc của mình thì mình cứ làm, giúp được ai phần nào để cuộc sống khá hơn thì mình cũng chẳng ngại. Ngoài làm kinh tế, tôi cũng tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương. Hiện tôi đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu TNXP TP Đà Lạt, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Tổ dân phố Măng Line, Trưởng ban Thanh thiếu nhi hội đồng hương Thái Bình".

Ông Hòa và con trai bên những cây hoa cúc giống sạch bệnh chuẩn bị cung cấp ra thị trường cho người dân trồng.
Ông Hòa và con trai bên những cây hoa cúc giống sạch bệnh chuẩn bị cung cấp ra thị trường cho người dân trồng.
Đặc biệt, trong quá trình canh tác hoa cúc, mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng cũng như muốn có đầu ra ngày càng ổn định hơn nên ông Hòa đã cùng một số hộ dân khác thành lập Hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc hoa cúc Măng Line. 
Cho đến năm 2019, Hội nghề được đổi tên thành Tổ hợp tác trồng hoa cúc theo hướng công nghệ cao do ông Hòa làm Tổ trưởng. Đến nay, Tổ hợp tác đã có 134 hộ nông dân tham gia với diện tích trồng hoa lên đến 60ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động.
"Ở những vùng khác thì tôi thấy họ chỉ trồng trên dưới 50.000 cây/1.000m2. Thế nhưng, ở Măng Line, chúng tôi trồng 80.000 cây, mỗi hàng 12 cây. Những nhà chưa có điều kiện thì trồng bình thường tưới bép, những nhà có điều kiện thì tưới nhỏ giọt điều khiển qua smartphone. Thế nhưng, điều đặc biệt nhất là tôi có những cách làm khác để tăng năng suất, chất lượng cành hoa...", ông Hoà chia sẻ.

Ông Hòa luôn mong muốn làm sao để người dân trồng hoa cúc tăng được năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Hòa luôn mong muốn làm sao để người dân trồng hoa cúc tăng được năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong quá trình trồng hoa, ông Hoà luôn tự tìm tòi, nghiên cứu những bài thuốc nhằm hạn chế tối đa nhất dịch bệnh trên hoa cúc. Từ đó, chất lượng hoa cũng được nâng cao, thiệt hại do dịch bệnh cũng không ảnh hưởng nhiều...

Hệ thống tưới tiết kiệm được ông Hòa lắp đặt khắp vườn, đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho hoa nhưng phải tiết kiệm.
Hệ thống tưới tiết kiệm được ông Hòa lắp đặt khắp vườn, đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho hoa nhưng phải tiết kiệm.
Cũng theo ông Hòa, đối với những loại thuốc ông mua từ các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật về sử dụng, ông luôn tiến hành "thử thuốc". Với những loại thuốc mới, lão nông U70 luôn dành ra một diện tích nhỏ để thử nghiệm. 
Sau khi phun thuốc một tuần, nếu thấy hoa phát triển bình thường hoặc có hiệu quả trong điều trị dịch bệnh thì sẽ sử dụng để phun đại trà. Người dân chủ quan, mua thuốc về sử dụng đại trà ngay thì sẽ gặp nhiều rủi do không đáng có.
Ông Hòa cũng cho hay, hiện nay, ngoài diện tích ông đã cho các con thì hai vợ chồng ông cũng đang quản lý 1ha đất trồng hoa cúc công nghệ cao. Cứ 1.000m2, ông Hòa trồng được 80.000 cây hoa cúc. Sau 4 tháng, lão nông này bán hoa theo diện tích cho thương lái. 
Theo ông Hòa, trung bình số tiền đầu tư và thu nhập của ông sẽ có tỷ lệ 50 – 50. Nếu trung bình giá chỉ cần được khoảng 1.500 đồng/cành thì 1 sào mỗi năm ông Hòa có thu nhập khoảng 180 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, nhận thấy Đà Lạt là vùng đất khí hậu thuận lợi, có tiềm năng phát triển kinh tế nên ông Hòa đã giúp đỡ nhiều người từ vùng quên Thái Bình vào làm ăn. Đối với những người có vốn thì ông Hòa chẳng ngại giúp đỡ tìm kiếm đất để thuê trồng hoa, đứng ra nhận nợ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với các đại lý.

Hiện nay, cứ mỗi ha, ông Hòa có thu nhập bình quân trên dưới 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, cứ mỗi ha, ông Hòa có thu nhập bình quân trên dưới 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Ngược lại, những người còn khó khăn thì ông Hòa cũng tạo điều kiện để làm việc ngay trong những khu nhà kính của gia đình mình. Đến nay, đã có hơn 60 hộ gia đình được ông Hòa hướng dẫn vào Đà Lạt lập nghiệp, làm ăn, sinh sống.

Ông Hòa được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63
Ông Hòa được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020.
Vừa qua, ông Trần Ngọc Hòa được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020)
Theo Văn Long (Dân Việt)
https://danviet.vn/bo-75-cay-vang-mua-dat-chi-de-trong-hoa-ong-nong-dan-da-lat-noi-gi-20200828212010283.htm

Có thể bạn quan tâm